Dọc theo dòng sông Sở Thượng đi qua xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) những ngày này, hàng chục phương tiện xuồng ghe bắt cá hoạt động nhộn nhịp. Cách khai thác chủ yếu của người dân là thả lưới. Mỗi gia đình chuẩn bị vài tay lưới dài khoảng 100m, rộng 4 – 5m, đầu lưới kết nối với các phao, thả lưới trôi trên sông được vài trăm mét thì kéo lưới lên và thu hoạch cá. Cứ như vậy từng tay lưới được thả xuống và kéo lên liên tục từ sáng sớm đến chiều tối.
Ông Nguyễn Văn Nhanh ở xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự cho biết, hằng năm, ông đều canh con nước, tới ngày cá ra sông thì thả lưới.
|
Sản vật trời cho người dân đánh bắt được.
|
Nếu như giăng lưới trên đồng nước thường buộc 2 đầu lưới cố định ở 1 nơi, thì giăng lưới bắt cá trên sông thường thả lưới trôi lềnh bềnh. Có người dùng chài bủa dọc thân xuồng thả theo con nước để bắt cá. Cách làm này cá bắt được ít hơn nhưng thường là cá lớn.
Từ lâu mùa cá ra sông được xem mùa ăn nên làm ra của người dân miền Tây. Dù những chuyến đánh bắt vất vả, mệt nhọc nhưng đổi lại có chi phí trang trải sinh hoạt gia đình. Với họ dường như không có sự cạnh tranh, khai thác cùng nhau trong sự tương trợ và chia sẻ.
Ông Phan Văn Thu ở xã Thường Thới Hậu B cho biết: “Những người đánh bắt cá hầu hết là dân thất nghiệp, trông cho tới mùa để thả lưới. Mùa này cá ra sông do nước trong đồng cạn. 1 ngày được khoảng 20 – 30kg, ít thì 7 – 10kg không chừng. 1kg bán 15.000 đồng. Mấy hôm trước được 25.000 – 30.000 đồng/kg. Năm nay, nước về sớm và rút nhanh, cá nhiều hơn, 1 ngày kiếm 200 ngàn – 400 ngàn đồng không chừng”.
Trên sông nhiều xuồng ghe ngược xuôi, trên bến mọi người tụm lại gỡ những mẻ lưới đầy cá. Có thể nói, với người dân đánh bắt thủy sản vùng đầu nguồn, mùa lũ năm nay được xem là lũ đẹp với những chuyến đánh bắt thuận lợi đầy ắp cá, giúp bà con có sinh kế trong mùa lũ, để khi nước đã rút cạn đồng, mọi người lại cùng nhau bắt tay vào canh tác vụ mùa mới.