Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu do Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (Vicem Hà Tiên) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 461 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 69 tỷ đồng (15%), vốn vay 392 tỷ đồng (85%).
Đây là dự án thực hiện theo hình thức BOT, quy mô đường rộng 30m, dài 2,626km, khởi công ngày 6/6/2012, hoàn thành ngày 14/6/2014. Thời gian khai thác theo phương án hợp đồng là 24 năm. Đến nay, sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT Phú Hữu đã hoàn thành và dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý III/2024.
|
Trạm BOT Phú Hữu nằm trên đường Nguyễn Thị Tư. (Ảnh: Công Thương). |
Để thực hiện việc thu phí theo dự kiến, ngày 8/3/2024, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định mức giá tối đa dịch vụ đường bộ tại dự án BOT Phú Hữu.
Cụ thể, mức giá thấp nhất tại BOT Phú Hữu là 17.000 đồng/vé với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có giá tối đa là 25.000 đồng/vé; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feed có giá tối đa là 133.000 đồng/vé.
Sau quyết định trên, Vicem Hà Tiên đề xuất chỉ thu bằng 90% mức giá tối đa quy định tại quyết định trên, do tình hình kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/5 đến 31/12/2024.
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng đồng ý theo đề xuất của nhà đầu tư, vì phù hợp với tình hình hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Bảng giá tối đa dịch vụ đường bộ tại dự án BOT Phú Hữu. |
Trước thông tin thu phí BOT Phú Hữu, nhiều doanh nghiệp vận bày tỏ lo lắng, và có phản ứng, kiến nghị tính lại.
Đơn cử, ông Lê Quang Lâm - Giám đốc Công ty QTL Logistics, có đơn kiến nghị TP.HCM, TP Thủ Đức, Công ty Xi măng Hà Tiên về mức phí qua trạm BOT Phú Hữu. Theo ông Lâm, việc thực hiện thu phí cầu đường qua trạm BOT Phú Hữu trong bối cảnh hiện tại tồn tại nhiều bất cập, không cần thiết, tạo áp lực lớn lên hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn phân tích của ông Lâm rằng, xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 từ Việt Nam đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng. Những chỉ số dự báo được cho là lạc quan nhất về tình hình kinh tế chung của năm 2024 đang còn bỏ ngỏ, chưa khẳng định ngành xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn sắp tới.
Ông Lâm tính toán, một container hàng hóa từ TP.HCM xuất khẩu và ngược lại phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, phí xuất nhập khẩu mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí xuất nhập khẩu, thuế; lệ phí cầu đường tại các trạm BOT hiện hữu; chi phí vận hành sản xuất.
Tiếp đó là vấn đề phí chồng phí tại cảng Phú Hữu. Đây là khu vực tập trung nhiều cảng có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ xuất nhập khẩu nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ. Đây cũng tuyến đường huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải trên cùng một tuyến đường. Vì thế, nếu thêm một trạm BOT, doanh nghiệp sẽ phát sinh 132.000 đồng/2 lượt/container 20 feet và 266.000 đồng/2 lượt/container 40 feet.
Tượng tự, Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương (trụ sở tại Bình Dương) và Công ty TNHH Thương mại và Tiếp vận Việt Long (trụ sở tại TP.HCM) cũng gửi đơn cầu cứu. Trong đó, Công ty Chánh Dương, đánh giá việc triển khai thu phí trong thời điểm này là áp lực đối với doanh nghiệp. Số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty khoảng 140.000 container/năm, chi phí sẽ đội lên rất lớn.
Các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu đang kiến nghị UBND TP.HCM xem xét miễn giảm hoặc giảm trừ chi phí thu qua trạm, thay đổi phương án hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư dự án BOT Phú Hữu.