Bỏ thủ đô lên núi trồng hoa hồng, trai trẻ 9x phất trông thấy

Google News

Đang sống ở mảnh đất thủ đô sôi động, anh Trần Văn Thành, sinh năm 1994 ở huyện Mê Linh, TP. Hà Nội đã quyết định lên phố núi Sơn La trồng hoa, làm giàu từ cây hoa hồng.

Mới ở độ tuổi 25 nhưng trông anhTrần Văn Thành, sinh năm 1994 (Mê Linh, Hà Nội) chững chạc hơn những bạn bè cùng trang lứa. Tiếp tôi tại mảnh đất bạt ngàn hoa hồng nằm sát chân núi, anh Thành bồi hồi kể lại: “Do lực học có hạn nên sau khi học hết lớp 10 tôi đã quyết định nghỉ học về phụ giúp bố mẹ, sau đó tôi theo chân bạn bè lên Sơn La làm thuê và bén duyên với mảnh đất này từ đó”.
Anh Thành bảo: Quê anh vốn có truyền thống trồng hoa từ lâu và toàn bộ diện tích đất nhà anh đều dành trồng các loại hoa hồng, cúc, ly, lan... Vào mùa hè thời tiết nóng nực cây hoa thường còi cọc, nhiều sâu bệnh nên gia đình anh rất vất vả chăm bón.
Bo thu do len nui trong hoa hong, trai tre 9x phat trong thay
Anh Thành quấn giấy báo vào đầu nụ hồng để định hình cho hoa và hạn chế hoa nở sớm.
Công việc ở quê không thuận lợi nên anh Thành đã cùng một số người bạn lên TP.Sơn La làm ăn. Khi lên vùng đất phố núi này, anh không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ở đây người dân trồng hoa quanh năm, vào mùa hè cây hoa vẫn xanh tốt, cứng cáp. Anh tìm hiểu thì được biết nhờ có khí hậu mát mẻ, trong lành nên các loại hoa ở đây phát triển rất tốt, đặc biệt là hoa cúc và hoa hồng.
Có sẵn kinh nghiệm trồng hoa khi ở cùng bố mẹ, nên anh Thành đã nghĩ đến việc tự gây dựng vườn hoa cho riêng mình. Năm 2015, sau khi lập gia đình, anh bàn với vợ vay vốn, thuê đất trồng, quyết tâm làm giàu từ cây hoa hồng.
Anh thuê 1,3 ha đất ruộng của bà con ở bản Tông(xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La) rồi làm cỏ, xới đất, bổ luống, bón phân dưỡng đất. Đất làm đến đâu anh lại trồng hoa đến đấy. “Các loại cây hồng giống tôi đều mua ở quê và chuyển lên đây trồng. Phải mất khoảng 7 tháng thì những cây hồng này mới cho hoa đạt chất lượng.” anh Thành chia sẻ thêm.
Vừa nói anh Thành vừa chỉ tay vào những bông hồng đỏ thắm rồi cho biết: Để có những bông hoa đẹp như thế này thì bên cạnh kĩ thuật canh tác còn phải đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Các công đoạn như bón phân, làm cỏ, tỉa cành, quấn giấy báo vào nụ hoa…phải được tiến hành đúng thời điểm và liều lượng. Với những cây hoa mới bắt đầu trồng, thì phải cắt bỏ 2 đến 3 lứa hoa đầu, mục đích để ép cây “đẻ” thêm nhiều cành mới và tập trung dưỡng chất cho cây phát triển khỏe mạnh. Sau đó bón thêm phân và thường xuyên cắt bỏ các cành, lá già và sâu bệnh. Tầm khoảng 7 tháng thì có thể cho thu hoạch lứa hoa đạt chất lượng. Chu kì một lứa hoa là khoảng 45 ngày vào mùa hè và 90 ngày vào mùa đông.
“Khó khăn nhất khi trồng hoa ở vùng đất này là vào mùa lũ tháng 7 tháng 8. Nước ở đầu nguồn ập về trắng xóa cả một vùng, cây hồng bị ngâm nước lâu sẽ dễ bị rụng lá và chết. Năm nào cũng thế trước mùa mưa lũ là tôi lại phải lo dưỡng cây cho thật khỏe.” Anh Thành nói
Với 7 vạn gốc hồng trưởng thành, hiện tại cứ khoảng 3-4 ngày vườn hồng nhà anh lại cho thu hoạch hơn 4.000 cành hoa, vào mùa hè số hoa cắt bán còn nhiều hơn. Số hoa này chủ yếu được bán sỉ cho các cửa hàng hoa ở Sơn La và gửi về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với giá từ 1.000 đồng – 2.000 đồng một cành, trừ hết chi phí anh Thành cũng bỏ túi đều đều khoảng 1.000.000 đồng/ngày.
Cũng theo anh Thành, nhận thấy nghề trồng hoa ở Sơn La thuận lợi hơn ở quê nên anh đã bàn với bố mẹ lên đây làm ăn và giờ đây bố mẹ anh cũng đang làm chủ một vườn hoa rất đẹp ở Chiềng Xôm (TP.Sơn La). “Mùa này (tháng 12) là chúng tôi còn có thời gian nghỉ ngơi chút đấy, chứ vào mùa hè việc nhiều, thu hoạch hoa cũng nhiều hơn thì cả 2 vợ chồng tôi và 4 công nhân nữa làm cả ngày lẫn đêm mới hết việc.” Anh Thành cho biết thêm.
Theo Bích Hội - Thiên Long / Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)