Trước đây, nhà chị Nguyễn Thị Huế, 35 tuổi ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội thường chi tiêu dè xẻn nhất cũng hết 10 triệu đồng. Gia đình nhà chị gồm có 2 vợ chồng chị, 1 con đang học cấp 2 và một mẹ già 70 tuổi.
"Chồng mình là nhân viên phòng vé máy bay, lương tháng khoảng 9 triệu đồng tùy theo từng tháng. Còn mình là nhân viên kế toán một công ty, lương tháng 10 triệu đồng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng được khoảng 19-22 triệu/tháng", chị Huế thành thật nói.
Theo người phụ nữ này chia sẻ, dù có thu nhập chỉ ở mức trung bình khá như vậy nhưng tháng nào chị cũng phải tiết kiệm để trả ngân hàng 5 triệu tiền vay trả góp mua căn chung cư nhỏ đầu tư. Số tiền còn lại chị để dành tiết kiệm 1 phần và chi tiêu cho gia đình.
"Nhà mình chồng là con trưởng nên nhiều khoản chi tiêu lắm. Nhà cũng có mẹ già hay ốm đau nữa. Cũng may con mình có ý thức học nên học khá giỏi dù cháu không học thêm nhiều.
Vì con học khá nên mình chỉ cho con đi học thêm 1-2 môn chính, còn lại phần lớn con tự học. Mỗi tháng, tiền học chính, học thêm các khoản của con hết khoảng 3,5 triệu đồng. Còn lại mình tiêu khoảng 5 triệu vào tiền ăn và 2-3 triệu tiền ma chay hiếu hỉ và điện nước. Số tiền vài triệu ít ỏi còn lại mình thường cố để dành để phòng lúc ốm đau hay nhà có việc", bà nội trợ này giãi bày.
Thế nhưng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, anh xã chị hầu như không có thu nhập vì không có khách đặt vé máy bay. Mọi chi tiêu hàng ngày dồn hết lên chị Huế. Cũng may, công ty chị vẫn nhiều việc nên chị vẫn đi làm bình thường. Do kinh tế giờ chỉ còn lương của 1 người nên bà nội trợ này cũng phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu ngày dịch.
"Khoảng hơn 1 tháng nay, mình thực hiện chế độ chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Ban đầu cứ nghĩ không thể thực hành được như vậy nhưng mình đã thử thực thi trong 1 tháng rồi. Và cuối tháng rồi tổng kết, mình đã tiết kiệm được nhiều tiền quá.
Chỉ 10 triệu đồng lương nhưng mình chi 2,6 triệu tiền ăn, 400 ngàn điện nước, tiết kiệm 7 triệu đồng (trong đó 5 triệu trả ngân hàng và vẫn tiết kiệm được 2 triệu đồng). Mình thấy tuy hơi mệt mỏi 1 chút nhưng hạnh phúc quá vì có 1 khoản để phòng dịch", chị Huế vui vẻ nói.
Sau đây là những khoản mà bà nội trợ 35 tuổi ở Hà Đông này đã liệt kê có thể điều chỉnh chi tiêu hợp lý và phương án thực hiện cụ thể cho các chị em:
Cắt giảm chi tiêu tiền ăn từ 5 triệu xuống còn 2,6 triệu đồng (tiết kiệm được 2,4 triệu)
"Thông thường nhà mình chi tiêu 1,5 triệu tiền ăn/tuần thì giờ mình cắt giảm xuống còn 600-700 ngàn đồng. Với số tiền này mình tiết chế chỉ đi chợ trong chừng đó. Còn lại sẽ tiết kiệm ½ số tiền này. Do đó, thay vì hay đi ăn ngoài hay mua thức ăn ngoài như trước, giờ mình tự đi chợ mua thịt, cá về trong tuần rồi chia ra từng bữa nhỏ để tủ lạnh. Bữa sáng cũng ăn tại nhà như bánh mỳ với pate tự làm, bánh cuốn tự làm, nấu mì chũ… Như vậy vừa tiết kiệm tiền ăn, lại tiện có đồ để nấu", chị Huế khẳng định.
Bản thân chị Huế vẫn đi làm ngày dịch thì chị cũng tự nấu tại nhà rồi mang cơm đi làm. Làm vậy chị cũng tiết kiệm được 1 khoản tiền ăn mà lại ngon, rẻ, phù hợp khẩu vị.
Cắt giảm tiền xăng xe, tiền điền thoại từ 400 ngàn giờ còn 300 ngàn đồng (tiết kiệm 100 ngàn đồng)
Trước đây dù đi làm chỉ cách nhà 10km nhưng tiền xăng xe của chị Huế phải hết 300 ngàn đồng/tháng vì chị hay lượn lờ chợ búa khi đi làm về. Giờ chị đi làm về thẳng nhà, 1 tuần đổ 1 bình hết 70k. Còn điện thoại chị tận dụng Zalo, Facebook để gọi điện buôn với người thân nên không tốn tiền. Mỗi tháng tiền xăng xe chị cũng tiết kiệm 1 khoản khoảng 100 ngàn đồng.
Cắt giảm tiền mua sắm linh tinh 1 triệu xuống 500 ngàn đồng (tiết kiệm 500 ngàn đồng)
Do là phụ nữ nên chị Huế cũng thích mua sắm linh tinh. Trước cứ nổi hứng lên là tiền của nhà chị lại đội nón ra đi. Vì thế giờ chị cắt giảm hết các khoản này. Ngoài không lượn ra đường ngắm nghía như mọi lần, chị cũng không vào inbox đặt hàng gì ngoài ăn uống như hiện nay. Số tiền linh tinh chị tiết kiệm được cũng khoảng 500 ngàn đồng.
Cắt giảm đi siêu thị và thay vào đó là đi chợ đầu mối = 0 đồng
Nhiều người nghĩ rằng, đi chợ với đi siêu thị thì có gì khác nhau. Nhưng thực tế, chi tiêu cho các khoản lặt vặt này mới tốn kém: "Trước, thỉnh thoảng mình cũng đi siêu thị mua đồ và lần nào về cũng mất tiền triệu mà không mua được những thứ cần thiết. Bởi vì có những đồ cứ thích lại mua vì nghĩ nó rẻ. Song mang về nhà cả 1 đống đồ linh tinh không dùng đến. Chưa kể, thực tế giá ở siêu thị còn cao hơn các đại lý quầy hàng ở ngoài. Bởi thế giờ mình không đi siêu thị nữa. Thay vào đó là chỉ đi chợ đầu mối mua thực phẩm vừa tươi vừa rẻ hơn hẳn", chị Huế nhận định.
Tiền điện nước mỗi tháng 400 ngàn đồng = 0 đồng
Mỗi tháng, gia đình 5 người nhà chị Huế thường phải đóng góp 1 khoản tiền điện nước là 400 ngàn đồng: "Thông thường, nhà mình dùng điện nước mỗi tháng hết khoảng chừng đó. Bởi bà nội và các cháu cũng rất hay xem tivi. Nhà mình cũng có tủ lạnh, lò vi sóng, máy tính. Về mùa hè thì tiền điện nước sẽ đội lên gấp đôi do có điều hòa".
Cắt giảm thông minh những tình huống bất khả kháng phải tiêu đến tiền = 0 đồng
Theo chị Huế, có những trường hợp bất khả kháng phải tiêu đến tiền như có khách cần đặt đồ ăn ngon hoặc làm đồ ăn ngon: "Nếu không làm mà cần đặt đồ ăn ngon thì nên cân nhắc chọn đặt nơi vừa ngon, vừa rẻ. Hoặc có thể tính tới chọn đồ ăn vừa ngon vừa rẻ như bánh tráng cuốn, phở cuốn dễ ăn mà ngon miệng".
Hoặc nếu phải đi ra ngoài xa với đồng nghiệp nếu buộc phải đi taxi thì có thể đi chung và đặt các phần mềm của các hãng taxi mới nổi cũng sẽ tiết kiệm được 50% chi phí. Tuy nhiên giờ đang trong mùa dịch nên nhà ai cũng hạn chế đi lại, vì thế khoản này chị Huế cắt giảm được tối ưu.
Theo chị Huế, nhờ thực hành tiết kiệm chi tiêu theo cách trên mà tháng vừa rồi, cả gia đình nhà chị chỉ tiêu 3 triệu đồng, tiết kiệm được cả 7 triệu đồng so với tháng trước.
Để thực hiện được tốt kế hoạch này, chị Huế khuyên: "Mọi người đừng đặt mục tiêu tiết kiệm chi tiêu theo tháng mà nên đặt mục tiêu ngắn hạn theo tuần để dễ thực hiện và dễ nhìn thấy số tiền tiết kiệm được mà lấy làm động lực.
Với cách tiết kiệm trên, chắc chắn cuối tháng này bạn sẽ tiết kiệm được 1 khoản ra trò và không sợ hãi khi dịch Covid-19 kéo dài nữa. Như mình đây này, dù lương chồng bị cắt mà cuối tháng mình vẫn là 1 phú bà, tiết kiệm cả 7 triệu đồng (không kể tiền trả nợ ngân hàng mua chung cư), vẫn sống ung dung".