"Giá nào cũng bán, ai cũng được ăn"
"Anh chị xếp hàng giúp em, chờ 2 phút có ngay bánh mì", một nhân viên của tiệm nói lớn, rồi cười vui vẻ.
Bà Nguyễn Ngọc Điệp (73 tuổi, chủ tiệm bánh mì) ngồi trên chiếc ghế nhựa, luôn tay, nhanh miệng nhắc nhở nhân viên chạy bàn: "Đừng làm ẩu nha con. Chú kia bán vé số, cho chú nhiều thịt một chút, lấy 10.000 đồng một ổ thôi".
|
Khách xếp hàng dài, chờ ăn bánh mì của bà Điệp (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Loáng cái, chiếc giỏ vừa đầy chặt bánh mì đã trống rỗng. Bà Điệp cho hay, mỗi ngày tiệm bán từ 6h đến giữa khuya là hết 2.000 ổ. Để đạt được doanh số bán hàng đó, bà chủ U80 nói nhờ có bí quyết gia truyền.
Không đông đúc vào buổi sáng như những nơi khác, hàng bánh mì của bà Điệp thường tấp nập vào buổi tối do có phần lớn công nhân, người lao động là bạn hàng quen.
Bà kể, trước đây, khi làng dệt Bảy Hiền còn hoạt động sôi động, tiệm bánh mì mỗi ngày bán vượt xa mức 2.000 ổ, bởi các lò dệt đều đặn mua bánh mì cho công nhân ăn tăng ca. Sau này, dù làng dệt chỉ còn lác đác một vài hộ sản xuất, bà vẫn giữ được các mối khách quen đã ăn tại đây hàng chục năm.
|
Bà chủ U80 cho hay, nhiều ổ bánh mì chỉ lấy giá 5.000, 7000 đồng để những người khó khăn cũng có thể ấm bụng (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Giá nào tôi cũng bán, thậm chí là 5.000 hay 7.000 đồng/ổ bánh. Bởi khách hàng của tôi thường là người lao động chân tay, thu nhập thấp nên tôi bán để ai cũng ăn được. Ổ bánh mì đầy đủ tôi bán giá 12.000 đồng, bên trong không để nhiều thịt như những nơi khác, khách ăn vẫn thấy no và không bị ngán", bà Điệp chia sẻ.
Bà Lợi (50 tuổi), nhân viên tại quán, cho biết đã có "thâm niên" hơn 30 năm ăn bánh mì tại đây. "Bánh mì của bà Điệp ngon, chất lượng, lại rẻ. Cả gia đình tôi ai cũng thích. Tối nào tôi cũng chở con ghé mua", vị khách chia sẻ.
Là khách quen lâu đến nỗi không nhớ bao nhiêu năm, ông Trung (ngụ tại quận Tân Bình) vẫn giữ thói quen mua 30-40 ổ bánh đầy đủ cho công nhân mỗi đêm tăng ca.
"Ăn ở đây quen rồi, đổi chỗ khác lại lạ miệng. Bà chủ quán tốt tính, bán bánh với giá phải chăng nên chúng tôi là khách ruột, ủng hộ nhiều năm qua", ông Trung nói.
"Nghề này sướng lắm"
Bà Điệp tự nhận "nghề này rất sướng". Tiệm chỉ cần đầu tư mua tủ đựng đồ, còn nguyên liệu cứ gọi lấy, qua ngày bán hết hàng mới thanh toán một lượt", bà chủ U80 nói.
Bà cũng nhắc nhiều đến bí quyết gia truyền để thành công như ngày nay. Dù thời gian đầu chỉ một mình bươn chải với tiệm bánh, gầy dựng cơ nghiệp gia đình, bà Điệp nói, bản thân chưa bao giờ thấy tủi thân.
|
Bà Điệp luôn biết ơn nghề mà bố mẹ để lại, là cần câu cơm nuôi sống đại gia đình 3 thế hệ của bà (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Bán bánh mì là nghề gia truyền mà bố mẹ tôi để lại. Sau này, tôi dặn con cháu phải biết yêu, giữ nghề vì công việc nào cũng vất vả cả, không phải thấy khó khăn mà bỏ cuộc. Chính vì nghĩ làm nghề này sướng nên gia đình tôi mới có thành công như ngày hôm nay", bà Điệp nói.
Nghề bán bánh đã theo gia đình bà qua mấy chục năm, từ những ngày cơ cực nhất, cả gia đình 13 người con trông vào gánh bánh mì. Là con thứ 5 trong nhà, 10 tuổi, bà đã lon ton theo xe bánh mì dạo của bố mẹ đi khắp TPHCM, kiếm "ba cọc ba đồng" nuôi cả gia đình 15 miệng ăn.
Cả gia đình đã bươn chải, bất kể mưa nắng, khắp Sài Gòn để cuộc sống dần ấm no, sung túc. Chứng kiến những giọt nước mắt của bố mẹ, bà càng thêm trân quý nghề cha truyền của gia đình.
Năm 1986, bà bỏ vốn riêng là 1 chỉ vàng mua tủ kính, nối nghiệp bố mẹ bán bánh mì. Từ chiếc tủ bánh mì nhỏ không ai thèm ngó đến, bà Điệp mất 1 năm để có được lượng khách ổn định.
|
Tại tiệm bánh mì, nhân viên hầu hết là con cháu trong gia đình bà Điệp (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Nhờ lòng thương người, thái độ xởi lởi với khách hàng, bà được người dân trong khu vực yêu mến, ủng hộ suốt nhiều năm qua.
Xe bánh mì dạo sau đó được chuyển thành tiệm bánh mì lớn. Nhờ đó, bà Điệp nghèo khó phất lên, mua được nhà được cửa rồi cùng con cháu tiếp nối nghề gia truyền.
"Tôi chọn bán bánh mì vì nó là món gần gũi với người Việt, dễ ăn và giá phải chăng. Món ăn dân dã này đã nuôi sống gia đình 3 thế hệ của tôi. Giờ đây, tôi đã có cuộc sống đầy đủ nhưng các cháu vẫn còn khó khăn nên tôi lại truyền nghề cho con gái và các cháu", bà Điệp trải lòng.
Tuổi đã lớn, không đứng được lâu nhưng bà Điệp vẫn đều đặn có mặt trước hàng bánh mì từ 21h đến khi tiệm đóng cửa. Bà nói, bản thân muốn đảm bảo mọi thứ đều phải hoàn hảo, mỗi ổ bánh mì phải giữ được chất lượng khi đến tay thực khách.
|
Bà chủ tiệm bánh mì gần 40 năm chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc bởi bà quan niệm, nghề nào cũng gian nan và vất vả (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Đối với tôi, buôn bán phải có cái tâm thì mới thành công. Khách hàng đến đây, có người đã ăn 10 năm, 20 thậm chí là 30 năm. Họ đã tin tưởng và thương yêu mình đến vậy thì trách nhiệm của chúng tôi chính là mang lại những gì tốt nhất, thể hiện sự trân quý cái nghề đã nuôi sống mình", bà Điệp tâm sự.