Theo các nghệ nhân trồng mai vàng chưng tết ở TP Mỹ Tho, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), mai vàng sau khi chưng Tết thường sẽ bị tàn, mất sức, sinh trưởng kém do đã tập trung nhựa để nuôi hoa trước Tết. Chính vì vậy, sau khi chưng Tết, người trồng, người chơi mai phải quan tâm, chăm sóc...
Ngay sau Tết, từ khoảng mùng 10 tháng Giêng là nhà vườn và các nghệ nhân lại bắt tay vào việc chăm sóc, dưỡng cây để mai vàng phục hồi, lấy lại sức và cho mùa hoa nở rộ trong những ngày Tết Nguyên đán năm sau.
Theo các nghệ nhân cũng như nhà vườn chuyên canh, mai vàng sau khi chưng Tết thường sẽ bị tàn, mất sức, sinh trưởng kém do đã tập trung nhựa để nuôi hoa trước Tết.
Chính vì vậy, sau khi chưng Tết, người trồng, người chơi mai phải quan tâm, chăm sóc, bù đắp chất dinh dưỡng để cây sinh trưởng bình thường trở lại, làm nền tảng cho mùa hoa Tết năm sau.
Với gần 30 năm gắn bó với cây mai vàng, chú Lê Hoàng Nam hay còn gọi là chú Ba Nam (phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chuyên mua, bán mai vàng, đã sưu tầm và sở hữu trên 100 cây mai vàng lớn nhỏ.
Trong số 100 cây mai vàng đẹp trong vườn của chú Nam có nhiều cây mai cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm tuổi.
Trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, đa số các cây mai trong vườn nhà chú Nam, tất nhiên có cả các cât mai cổ thụ đều cho hoa nở đều, vàng cả cây vào đúng Tết.
Chú Ba Nam chia sẻ: "Chưng cây mai vàng ngày Tết với ý nghĩa mang may mắn vào nhà. Việc chăm sóc mai sau Tết là yếu tố quyết định cho mùa ra hoa năm sau.
|
Chú Ba Nam, nông dân trồng mai vàng chưng Tết ở phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang thay mụn dừa và tro trấu cho những chậu mai vàng vừa chưng Tết. |
Tuy nhiên, sau Tết không phải ai cũng quan tâm đến việc chăm sóc cây mai nhà mình. Mai vàng chưng trong những ngày Tết thông thường có 03 loại chính là mai vô chậu chưng trong nhà, mai vô chậu chưng ngoài sân và mai trồng dưới đất.
Theo những người trồng mai vàng lâu năm thì mỗi loại mai sẽ có một phương pháp chăm sóc riêng nhưng vẫn theo lý thuyết chung cho chăm sóc mai vàng sau Tết".
Hiện nay, một số người dân sau khi mua mai về chưng Tết thường tiếc không cắt hoa, để cho hoa tàn hết rồi tự rụng, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người trồng mai lâu năm thì đây chính là nguyên nhân khiến cây mai bị mất sức, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng cho cả năm sau.
Vì thế chú Ba Nam khuyến cáo: "Cây mai sau khi chưng Tết phải cắt hết bông, tỉa cành, vì tỉa cành sẽ tạo ra thêm nhiều nhánh mới, giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho đợt Tết năm sau. Công đoạn thứ hai là thay đất cho cây.
Gọi là thay đất nhưng thật sự là không nên trồng cây mai bằng đất mà thay bằng tro trấu và mụn dừa, rồi ủ rơm, đậy gốc để cây mai hồi phục lại bộ rễ; bón phân làm cho bộ rễ tĩnh lại sau khi ra hoa.
Sau đó là công đoạn rễ cây mai, dùng vòi nước rửa sạch cây mai hay còn gọi là tắm mai. Đến tháng 5 khi cây đã đủ lá thì bắt đầu bón phân cho cây ra mầm, làm bông, nuôi nụ đến tháng 10 âm lịch…".
Do tính chất của việc chăm sóc mai vàng sau Tết đòi hỏi người trồng khá nhiều công sức với thời gian dài, chính vì vậy mà trong khoảng 10 năm trở lại đây tại TP. Mỹ Tho và một số địa phương khác, công việc chăm sóc mai vàng sau Tết cũng trở thành một cái nghề làm thuê.
Chú Ba Nam cho biết: "Thời điểm này là chú nhận chăm sóc mai thuê. Những năm trước chú nhận chăm sóc mai thuê mỗi năm trên 200 gốc mai; những năm gần đây mỗi năm chỉ vài chục gốc. Tùy theo độ lớn của cây mà có giá khác nhau".
Dù chỉ mới gắn bó hơn 10 năm với cây mai nhưng anh Phạm Lưu Giang, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã sở hữu cho mình hàng ngàn gốc mai vàng trong vườn.
Anh Giang bộc bạch: "Việc chăm sóc mai sau Tết cần hết sức tỉ mỉ và phải yêu hoa thực sự mới làm được. Vụ mai Tết cho năm sau đã bắt đầu từ thời điểm này. Chăm mai vàng ngoài việc áp dụng đúng biện pháp, kỹ thuật, đòi hỏi người trồng phải có đôi tay và cái tâm với cây".
Ông Phạm Văn Chính, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Đối với người dân Nam bộ thì thấy mai vàng nở là thấy Tết. Vì thế, việc chăm sóc mai vàng sau Tết đòi hỏi phải kỹ càng, công phu để chúng ta có một cây mai vàng ưng ý chưng trong nhà, ngoài sân vào dịp Tết…".
Việc chăm sóc cây mai vàng, chậu mai vàng sau Tết là một bước rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết giúp cho cây mai kiểng tích lũy chất dinh dưỡng, tiếp tục sống khỏe mạnh và phát triển để tạo nụ cho những hoa thật đẹp vào Tết năm sau.
Tuy nhiên, công việc chăm sóc, kỹ thuật trồng mai Tết cũng đòi hỏi người trồng mai, người chơi mai vàng có phương pháp đúng đắn, bởi tùy thuộc vào mỗi loại cây chưng trước Tết mà có cách chăm sóc cho phù hợp.