Những người tìm mua sách cũ thường hoài cổ, muốn tìm được những cuốn sách tinh hoa, nay đã mất dấu trên thị trường. Nhưng đến Đại hội sách cũ năm nay, người ta coi sách như món hàng hóa trao đi bán lại, chứ không phải sản phẩm của tri thức.
|
Không phải ai cũng “sành” để biết được giá trị của một cuốn sách cũ. |
Chưa có khi nào một Hội sách lại được “đầu tư” như Đại hội sách cũ Hà Nội 2016 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Từ biển hiệu sách kiểu cũ của những năm 80, 90 với những cái tên giản dị như Sách cũ Hà thành, Sách cũ Hà Nội, Sách cũ Bạch Mai, Sách vì dân, Sách truyện vỉa hè, Sách cũ Điền…, đến những gian sách được đóng bằng tre nứa gợi lại không khí của Hà Nội cũ. Có lẽ vậy mà người đọc kỳ vọng được lạc vào một không gian thuần văn hóa, chỉ dành riêng cho những người hoài cổ, mến sách.
Thế nhưng, khi vừa bước vào một gian bán sách, tôi bất chợt nghe được đoạn hội thoại không mấy dễ nghe giữa một người mua và người bán sách cũ. Chuyện là một cuốn sách ngoại văn được ghi giá bìa 40.000 đồng, nhưng người mua nhất định trả giá một nửa, còn phàn nàn bìa sách có vẻ… cũ. Nghe vậy, người bán sách chép miệng: “Ở đây bán giá thấp nhất rồi, thế thì mua sách mới thì hơn”. Hóa ra, chuyện mặc cả như thế này vẫn tồn tại ở hội chợ sách cũ. Và chẳng biết nên vui hay buồn khi người ta lại trả giá cao vì cái bìa mới chứ chẳng phải vì nội dung hay giá trị mà cuốn sách mang lại.
|
Không có nhiều cuốn sách “độc” được bày bán tại Đại hội sách cũ năm nay. |
Tò mò đem câu chuyện định giá sách hỏi một chủ hàng sách cũ có thâm niên tại các hội sách, thì được một câu trả lời: “Vô cùng lắm”. Vì thông thường sách mà có “tuổi đời” càng cao thì giá sách càng lớn mới phải. Thế nên, có trường hợp sách mất bìa, sờn gáy, chữ nghĩa đôi ba chỗ có nhòe một tí, thì vẫn bán giá cao như thường vì không có bản thứ hai. Ngược lại, những cuốn mà dễ tìm, thì dù còn mới vẫn được nhà sách chào giá “hữu nghị”. Nói thế nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này, nên cứ thấy sách cũ là chê bai, là mặc cả như ngoài chợ. Như để chứng minh cho nỗi lòng của mình, anh chủ hàng kể, có người còn nhìn bìa sách đề giá bìa 15, 16 đồng rồi thắc mắc với chủ hàng: “Ơ bán gì cao hơn giá bìa nhiều thế”. Trong khi sách được phát hành từ nửa thế kỷ trước (?!).
Thế nên mới có chuyện là những người bán sách như anh chủ hàng trên chẳng dám bày ra nhiều đầu sách cổ, sách “độc”. Vì họ sợ sách bị đẩy qua đẩy lại, bị “dìm”. Còn người mua đại trà, không biết thì có mỏi mắt tìm sách mình cần mà chẳng thấy đâu. Một độc giả lớn tuổi cho biết: “Cứ ngỡ ra đây sẽ tìm được đầu sách hay, nhưng loanh quanh cả tiếng đồng hồ cũng chẳng tìm thấy cuốn nào”.
Người chuộng sách cũ cũng phải là những người sành về sách. Phải sành thì mới hiểu được xuất xứ, tên tuổi và giá trị của cuốn sách. Như thế thì người bán mới biết được giá trị cuốn sách của mình mà định giá. Còn người mua thì đương nhiên là để mua sách không bị hớ, cũng tránh đưa sách vào một cuộc mặc cả không đáng có, khi mà sách là một sản phẩm tri thức, chứ chẳng phải một món hàng hóa tầm thường.
Mời quý độc giả xem video về hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):