Theo Nhà đầu tư, một doanh nghiệp không tên tuổi có tổng tài sản trên sổ sách ghi nhận tới hơn 127.900 tỷ đồng (5,5 tỷ USD) tại thời điểm cuối năm 2020. Nó ngang ngửa với quy mô vốn điều lệ của những tập đoàn lớn tại Việt Nam như Vingroup hay EVN. Đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu.
Dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu thành lập vào tháng 11/2018, đặt trụ sở chính tại một số nhà trên phố Trích Sài, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc Toàn Cầu là ông Bùi Văn Việt, một trong những cổ đông góp vốn sáng lập.
|
Xuất hiện doanh nghiệp vốn điều lệ 128.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp khi mới thành lập là bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh (chi tiết: bán lẻ vàng, bạc, đá quý và đá bán quý; bán lẻ đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý và đá bán quý; bán lẻ nước rửa trang sức).
Theo dữ liệu của VietnamFinance, vốn điều lệ của công ty khi mới thành lập là 132 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm có: Bùi Văn Việt 18%, Phạm Thị Thành 36%, Đào Xuân Hậu 18%, Đỗ Công Đảng 18%, Trần Đức Thùy 10%.
Đến tháng 6/2019, công ty bất ngờ thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang xây dựng nhà không để ở, rồi tăng mạnh vốn điều lệ lên 127.902,5 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong đó có một cổ đông nước ngoài là David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), chiếm 40% vốn điều lệ.
Tính đến hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của Toàn Cầu lọt top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, sau Vingroup (135.853 tỷ đồng), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ đồng) và Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng).
Vốn chủ của Toàn Cầu cũng vượt Vietnam Beverage, công ty được lập ra nhằm phục vụ cho thương vụ ThaiBev mua lại cổ phần Sabeco trị giá gần 5 tỷ USD; trên Vietcombank (98.859 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (93.408 tỷ đồng), Vinhomes (89.685 tỷ đồng)...
Điều đáng ngạc nhiên là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu gần như không có hoạt động gì nổi bật trong thời gian qua. Thị trường cũng hầu như chưa biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp này.
Thời gian gần đây, thị trường ghi nhận sự xuất hiện của một số ‘siêu doanh nghiệp’ đăng ký vốn điều lệ rất lớn, quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Gần nhất (cuối tháng 5/2021) là 2 công ty có tên Tập đoàn Đầu tư Công nghệ tự động Toàn Cầu và Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu đăng ký vốn thành lập lần lượt 500.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng, dù chưa chứng minh được vốn góp.
Xa hơn một chút, đầu năm 2020, một doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, nhưng sau đó các cổ đông sáng lập thừa nhận chỉ là "ghi nhầm".