Đổ gia sản vào TPDN, mòn mỏi đi đòi tiền
Là một trong hơn 7.000 nhà đầu tư đã mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh (TPDN thuộc 9 lô bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ), ông N.V.T (Hà Nội) mang đơn cầu cứu gõ cửa khắp cơ quan chức năng để mong nhận lại tiền. Ông T cho biết, hơn 1 tỷ đồng mua TPDN Tân Hoàng Minh là tiền cả gia đình ông dành dụm để kinh doanh. Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, cách ly xã hội khiến hoạt động kinh doanh ngưng trệ, ông T mua TPDN thời hạn 1 năm và dự kiến tất toán vào tháng 7/2022. Thế nhưng tháng 4/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh vướng vụ án. Đến nay, toàn bộ vốn làm ăn vẫn bị “treo” khiến ông T phải bỏ luôn việc kinh doanh.
|
Nhà đầu tư TPDN Tân Hoàng Minh căng băng rôn mong sớm nhận lại tiền đầu tư
|
“Chúng tôi được sale (bán hàng) trên mạng xã hội facebook, nhân viên công ty chứng khoán và một số ngân hàng giới thiệu mua TPDN Tân Hoàng Minh. Chúng tôi mua vì tin tưởng Tân Hoàng Minh đã hoạt động hàng chục năm qua và có tài sản đảm bảo. Nhưng đến nay, lô trái phiếu bị hủy, chúng tôi mòn mỏi chờ nhận tiền”, ông T nói.
Khi mua trái phiếu, ông T ký hợp đồng và được cam kết: Hợp đồng đầu tư trái phiếu, giấy xác nhận giao dịch trái phiếu và thư cam kết thanh toán. Trái phiếu có tài sản đảm bảo, được ký kết công khai, giữa các bên. Cùng cảnh như ông T, chị Trương Hồng L (Thanh Trì, Hà Nội) mua 1,8 tỷ đồng TPDN Tân Hoàng Minh. Chị L chia sẻ, do có con nhỏ bị bệnh bại não, giữa dịch bệnh, công việc không ổn định khiến cuộc sống quá khó khăn. Chị L bán ngôi nhà và “đổ tiền” vào TPDN để lo cuộc sống. Hiện nay, cuộc sống gia đình chị L lao đao vì toàn bộ tài sản mua TPDN chưa lấy lại được.
Tại cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và thành viên thuộc đoàn tiếp công dân ngày 15/9, đại diện nhà đầu tư TPDN Tân Hoàng Minh đưa ra một số đề nghị như: Truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân phụ trách việc phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh; Đề nghị Bộ Tài chính làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để nhà đầu tư sớm được hoàn tiền - trả dần theo tỉ lệ tiền đã thu hồi được từ Tân Hoàng Minh...
Trái phiếu bị coi như trò chơi rủi ro cao
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, lũy kế dư nợ TPDN hiện nay khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Trong khi, tổng số vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng khoảng 5 triệu tỷ đồng. Như vậy, dư nợ TPDN gần bằng 1/3 tổng số vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng. Những năm qua, vốn TPDN tăng trưởng với tốc độ 30-35%/năm.
Theo ông Nghĩa, trái phiếu là thị trường quan trọng, nhưng không được phát triển với tâm thế là “máu” của nền kinh tế thị trường. Thậm chí, hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi có độ rủi ro cao của các nhà phát hành. Khi xảy ra trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu.
Ông Nghĩa đánh giá, trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao. Cơ quan chức năng cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, qua đó quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro. Theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), thời gian tới cần xây dựng công cụ để xử lý rủi ro trên thị trường TPDN. “Giai đoạn 2017-2021, thị trường TPDN tăng 46%, năm 2021 tăng 56%. Thị trường mới phát triển mà lớn nhanh nhưng cần thận trọng”, TS Tú Anh kiến nghị.
Nguy cơ doanh nghiệp gặp khó khi đáo hạn TPDN
Theo dữ liệu của FiinGroup, khoảng 138.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản có điểm rơi đáo hạn vào trong giai đoạn 2022-2024. Điều này khiến áp lực đáo hạn TPDN của doanh nghiệp đang tăng cao. Một số DN gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay. Bên cạnh đó, phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là DN chưa niêm yết (công ty dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định). Do đó, hồ sơ tín dụng của DN này chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng hoặc huy động nguồn vốn khác để trả nợ TPDN.
Bộ Tài chính cho biết, tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm là 280.641 tỷ đồng. Trên thị trường sơ cấp, tổ chức tín dụng là nhà đầu tư chính, mua tới 46,1% TPDN, công ty chứng khoán mua 22,4%, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,1%. Tuy nhiên, theo thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội, nhiều nhà đầu tư thiếu thông tin và đầu tư TPDN bằng niềm tin cũng như gửi tiền tiết kiệm với lãi suất tốt. “Thời gian tới, khi sửa Nghị định 153 về TPDN, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn TPDN nhưng không trả được tiền cho nhà đầu tư. Cùng với đó, nghị định sửa đổi cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong tình huống này”, Luật sư Hà kiến nghị.