Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 ghi nhận, Việt Nam có đến 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Trong đó, các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là: quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%), thiết bị đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%)…
Hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
|
Bán hàng online trốn thuế, giải pháp nào ngăn chặn? (ảnh minh họa:Internet). |
Xác thực chủ thể, thu thuế tại nguồn
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, các cá nhân, tổ chức là chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn như họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp để điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Thực tế, kinh doanh qua các nền tảng thương mại điện tử tạo ra doanh thu “khổng lồ”, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật Việt Nam.
Thông tin trên báo chí, trước đó, theo đại diện Cục thuế TPHCM cho biết, qua quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan này nhận thấy, doanh thu từ thương mại điện tử không khai báo với cơ quan thuế tập trung ở hai điểm. Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử nhưng với những tài khoản mở tại các ngân hàng mà không đăng ký với cơ quan thuế. Thứ hai, thu tiền bán hàng bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa (ủy quyền cho các đơn vi giao nhận hàng hóa, khi giao hàng trực tiếp thu tiền của người mua để chuyển lại cho người bán). Toàn bộ các khoản doanh thu bán hàng này không thực hiện kê khai nộp thuế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Chỉ thị đưa ra trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, yêu cầu cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn để chống thất thu thuế.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính sửa đổi quy định về thuế liên quan thương mại điện tử, có giải pháp thu thuế tại nguồn, xử lý vi phạm thuế, hải quan; xây dựng cơ sở dữ liệu thuế với thương mại điện tử, quản lý rủi ro cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu với bộ, ngành liên quan để tăng cường quản lý thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sửa đổi quy định về quản lý thương mại điện tử, tăng chế tài xử lý vi phạm về lưu trữ, cung cấp thông tin; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu để quản lý thuế, phục vụ thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, thực hiện việc tích hợp tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực chủ thể hoạt động thương mại điện tử tham gia giao kết hợp đồng trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Nộp thuế trên ứng dụng VNeID
Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi chính sách về viễn thông, Internet, quảng cáo trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số. Chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành về quản lý Internet với các website có hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Công an hoàn thiện, sửa đổi quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý của bộ về thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh mạng, an ninh tiền tệ. Trong đó nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử; xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chuyển đổi sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.
Cùng với đó, Bộ Công an xây dựng và chia sẻ, kết nối dữ liệu về các tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với đối tác nước ngoài để kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên không gian mạng, thanh toán trung gian, ví điện tử, phần mềm. Tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử để kê khai, đăng ký nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và các nền tảng khác. Tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử, các tiện ích khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID).
Ngoài ra, các cá nhân có thu nhập từ quảng cáo do cung cấp dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số; thông tin cá nhân có hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội… cũng được đưa vào cơ sở dữ liệu.