Bamboo Airways: Lỗ khủng 17.600 tỷ, mang gần 20.000 tỷ tài sản đi “cho vay”

Google News

Các khoản dự phòng phải thu khó đòi đóng góp 12.500 tỷ đồng trên tổng số lỗ hơn 17.600 tỷ đồng năm 2022 của Bamboo Airways.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Công ty CP hàng không Tre Việt (Bamboo Airwaysghi nhận doanh thu thuần 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Với đội tàu bay lên đến 29 tàu bay, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay an toàn, vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách, tăng trưởng từ 100% - trên 200% so với năm 2021.
Dù doanh thu cải thiện tích cực, nhưng Bamboo Airways vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn do những khó khăn từ thị trường Đông Bắc Á và xung đột Nga - Ukraine làm giá nhiên liệu bay tăng vọt dẫn tới lỗ gộp 3.209 tỷ đồng. Đặt lên bàn cân so sánh, mức lỗ gộp này còn cao hơn của Vietnam Airlines (lỗ 2.625 tỷ đồng) và Vietjet (lỗ 1.993 tỷ đồng).
Trong năm 2022, doanh thu tài chính của Bamboo Airways chỉ còn 121 tỷ đồng, giảm mạnh 95% so với mức 2.571 tỷ đồng năm 2021. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên 1.406 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của Bamboo Airways cũng bị đội lên 80 lần so với cùng kỳ, lên 12.749 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi năm ngoái chỉ hơn 158 tỷ đồng. Trong báo cáo, khoản này chưa được thuyết minh, nhưng nhiều khả năng đến từ việc trích lập dự phòng các khoản phải thu.
Nguyên nhân chủ yếu là Bamboo Airways trong năm qua đã trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 9.692 tỷ đồng, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi là 2.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 731 tỷ đồng dự phòng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, được ghi nhận vào chi phí tài chính. Đây là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ lỗ 2.281 tỷ đồng.
Nếu loại trừ các khoản dự phòng phải thu này thì hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Airways trong năm qua chỉ lỗ hơn 5.000 tỷ đồng. Do khoản lỗ lớn trong năm 2022 khiến Bamboo Airways lỗ luỹ kế gần 19.336 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng.
Bamboo Airways: Lo khung 17.600 ty, mang gan 20.000 ty tai san di “cho vay”
 Bamboo Airways: Lỗ khủng 17.600 tỷ, mang gần 20.000 tỷ tài sản đi “cho vay” (ảnh minh họa: Internet).
Báo cáo tài chính năm 2022 của Bamboo Airways cũng ghi nhận việc tài sản ngắn hạn của hãng giảm mạnh, chỉ còn 10.442 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, so với 17.927 tỷ đồng tại thời điểm 1/1/2022. Trong đó tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Bamboo Airways là rất thấp (85,4 tỷ đồng). Điều đáng nói là phần lớn tài sản ngắn hạn của Bamboo Airways nằm ở các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó đọng ở chứng khoán kinh doanh là 6.350 tỷ đồng.
Về tài sản dài hạn, tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2022, Bamboo Airways ghi nhận con số 7.565 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2022.
Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.844 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay ở mức 10.623 tỷ đồng, tăng 5.830 tỷ đồng, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn.
Ở diễn biến liên quan, trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên sắp tới, Bamboo Airways dự kiến trình các cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức chức vụ thành viên HĐQT đối với các ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm và ông Nguyễn Mạnh Quân và bầu mới 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ năm 2023 -2028.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 4/2023, Bamboo Airways cho biết, theo báo cáo tài chính tại ngày 31/3/2022, vốn điều lệ của Bamboo Airways là 18.500 tỷ đồng, gồm vốn góp bằng tiền là 7.763 tỷ đồng (trong đó 4.257 tỷ đồng được sử dụng cho hoạt động kinh doanh chính), vốn góp bằng cổ phiếu là 9.286 tỷ đồng và vốn góp bằng quyền khai thác tài sản là 1.450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số vốn góp bằng cổ phiếu và quyền khai thác tài sản không mang lại hiệu quả về dòng tiền trực tiếp cho Bamboo Airways. Trong khi, tổng công nợ của hãng lên đến 12.370 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các nhà cung cấp là 5.926 tỷ, dư nợ các tổ chức tín dụng là 5.300 tỷ và nợ thuế ở mức 390 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động kinh doanh hàng không) tại thời điểm 31/3/2022 bị lỗ lũy kế khoảng 9.000 tỷ đồng.
Bamboo Airways cho biết, tại thời điểm 31/3/2022, các ngân hàng cũng đã tạm dừng/hạn chế việc giải ngân, thực hiện thu hồi nợ vay trước hạn. Các công ty cho thuê tàu bay, các nhà cung cấp nhiên liệu bay, trang thiết bị kỹ thuật tàu bay, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không cũng gia tăng yêu cầu thanh toán giảm dư nợ, yêu cầu xem xét dừng hợp đồng nếu không đáp ứng yêu cầu thanh toán.
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)