Tài trợ, tặng vốn hay góp vốn?
Dự án sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polyme sợi carbon của Arevo Việt Nam - Công ty TNHH Arevo Việt Nam của ông Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) và bà Lê Diệp Kiều Trang đã đóng cửa trước sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư.
Dự án xe đạp in 3D từng huy động được gần 7,2 triệu USD từ 3.301 người ủng hộ trên trang kêu gọi vốn cộng đồng Indiegogo. Không chỉ vậy, dự án còn "ngốn" 20 triệu USD của bà Lê Diệp Kiều Trang cùng các nhà đầu tư khác vào Việt Nam.
|
Dự án Superstrata được sản xuất với công nghệ in 3D, thu hút sự chú ý của nhiều người. |
Bên cạnh những bất bình về chất lượng sản phẩm thì điều gây nhiều tranh cãi là mô hình gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo. Có ý kiến cho rằng bà Lê Diệp Kiều Trang đã "lừa đảo" khi đánh tráo khái niệm mua và tài trợ, góp vốn.
Về những nghi vấn “lừa đảo” thông qua mô hình kêu gọi vốn cộng đồng của dự án Superstrata trên Indiegogo, bà Kiều Trang giải thích, dự án gọi vốn cộng đồng là nơi các công ty khởi nghiệp, các nhóm nghiên cứu đưa ra một ý tưởng sản phẩm (chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng), kêu gọi cộng đồng "tài trợ" cho dự án, nghĩa là tặng cho dự án một khoản tiền, để công ty có đủ nguồn lực nghiên cứu phát triển sản phẩm.
“Đối với người dùng Việt Nam, có lẽ do thấy giao diện của các đơn vị gọi vốn cộng đồng này khá giống với giao diện thương mại điện tử, nên khi có những thông báo bằng tiếng Anh giải thích rõ đây là "donation" (tài trợ) chứ không phải là "shopping" (mua hàng), các bạn đã bỏ qua, không lưu ý. Tôi nghĩ đây là điểm mấu chốt khác biệt về kỳ vọng dẫn tới những lùm xùm trong thời gian qua”, bà Trang cho hay.
Trả lời phỏng vấn trên Thanh Niên, bà Lê Diệp Kiều Trang nói rằng mọi người đã không tìm hiểu kỹ về trang web Indiegogo và các dự án đưa lên đó. Những người bỏ tiền vào dự án chỉ là những nhà tài trợ, không phải người mua xe. Khi sản phẩm được hoàn thiện thì công ty sẽ tặng sản phẩm cho nhà tài trợ. “Sản phẩm Avero cho đến thời điểm này (3 tháng 7 năm 2023 – thời điểm bà Trang trả lời phỏng vấn – PV) vẫn còn là sản phẩm trong giai đoạn R&D (nghiên cứu phát triển), chưa đến được giai đoạn thương mại hóa”, bà Trang nói.
Nhìn vào giải thích của bà Trang có thể thấy việc nhà đầu tư ủng hộ dự án phải chấp nhận rủi ro là hoàn toàn hợp lý và nhà đầu tư phải nắm rõ đây là tiền "tài trợ". Tuy nhiên, điều gây nhiều tranh cãi là trong các bài post quảng bá dự án, bà Lê Diệp Kiều Trang không hề dùng thuật ngữ tài trợ, tặng vốn hay góp vốn mà dùng từ "mua".
Cụ thể, ngày 9/10/2020, bà Trang kêu gọi cộng đồng mua xe đạp Superstrata được giảm giá (50% off) trong vòng 24 giờ kèm theo đó là đường link dẫn đến trang kêu gọi góp vốn cộng đồng Indiegogo.
Nhiều khách hàng cho rằng, một sản phẩm còn chưa hoàn tất chu trình gọi vốn trên Indiegogo và vẫn trong giai đoạn R&D thì việc rao bán và mời mọi người mua như bà Trang trả lời phỏng vấn trên Thanh Niên là không phù hợp.
Chuyên gia nói gì?
Nhận định về dự án xe đạp 3D SuperStrata của bà Lê Diệp Kiều Trang, ông Nguyễn Khoa Hồng Thành - một chuyên gia truyền thông đã nêu quan điểm, để làm rõ vấn đề đây có phải là một chiêu trò vẽ đường vòng để lừa đảo không, cần hiểu rõ về bản chất và quy trình thao tác trên trang web gọi vốn cộng đồng Indiegogo và trang đặt hàng chính thức là Superstrata.bike.
Ông Thành cho rằng, Indiegogo là một trang gọi vốn cộng đồng, chỉ để mọi người gọi vốn ở trên đó. Tuy nhiên, khi lựa chọn xe, người dùng phải cung cấp những thông tin cá nhân cho chủ dự án, như: địa chỉ giao hàng, số đo chiều dài tay chân để in sườn xe ra phù hợp với từng người…
Những chức năng này không thể hiện được trên Indiegogo. Do đó, cần phải có một trang để tiếp nhận các thông tin này và Superstrata.bike ra đời để phục vụ việc đó. Về mặt dài hạn, khi thương mại hóa thì trang này cũng là trang bán hàng khi mọi thông tin tùy chọn về sản phẩm đã có sẵn.
|
Một phần thông tin trong voucher của những khách hàng đầu tiên mua xe 3D SuperStrata của Arevo - Ảnh chụp màn hình.
|
Khi người dùng tài trợ (donate) phía bên trang Indiegogo xong, giống như họ được cấp một voucher (phiếu quà tặng). Cụ thể trong trường hợp này, người dùng tài trợ 999 USD sẽ tương ứng với một chiếc xe có giá 2.800 USD trên trang SuperStrata. Lúc này, thay vì bỏ 2.800 USD, người dùng chỉ cần nhập code 999 USD đã donate ở bên Indiegogo thì sẽ được xác nhận đặt chiếc xe tương ứng.
Bên cạnh đó, Superstrata.bike có thể được xây dựng ra với tầm nhìn phục vụ cho thương mại sau này, nên những tính năng và giao diện trên đó là một trang thương mại điện tử.
Tuy vậy, ở thời điểm chiến dịch gọi vốn, những thông tin, câu chữ như là order, receipt (hóa đơn)... trên Superstrata.bike - là những tính năng và chức năng của một trang thương mại điện tử - đã gây cho mọi người hiểu đây là chuyện mua bán sản phẩm, chứ không phải tài trợ.
"Với nhận định Arevo cố tình lừa đảo người đóng góp từ đầu, tôi nghĩ việc này không đúng. Theo thông tin từ một số báo chí đăng là Arevo đã gọi vốn được gần 70 triệu USD từ các quỹ đầu tư, trong đó có một phần gọi vốn trên Indiegogo khoảng 7 triệu USD.
Tạm không nói đến con số 7 triệu USD đóng góp từ cộng đồng, để có được mấy chục triệu USD còn lại của các VC (Venture Capital - Quỹ đầu tư mạo hiểm), chắc chắn Arevo đã phải trải qua rất nhiều vòng về due diligence (thẩm định chuyên sâu) đối với kế hoạch kinh doanh. Do đó, tôi cho rằng những suy luận theo hướng Arevo lừa đảo là có phần ác ý", ông Thành nhận định.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.