Trong tháng 7/2023, Công ty CP Fecon (mã: FCN) thông báo trúng thêm 5 gói thầu mới tại nhiều dự án lớn với tổng giá trị đạt 537,1 tỷ đồng. Trong 5 gói thầu ký mới nói trên, có tới 4 gói thầu thuộc thế mạnh của Fecon vốn đã ghi được dấu ấn trên thị trường xây dựng, đó là thi công nền móng, công trình ngầm và hạ tầng.
Cụ thể, Fecon đã nhận được thư trao thầu của Tập đoàn TH cho gói thầu “Thiết kế và thi công hạ tầng thuộc dự án TH Healthcare” trị giá 172,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Fecon nhận được gói thầu “Thi công cọc đại trà, tường vây và Kingpost” thuộc hai dự án: Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn trị giá 75,9 tỷ đồng, dự án Toà nhà văn phòng Betrimex trị giá gần 44,8 tỷ đồng và một phần việc tại dự án đầu tư tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trị giá 65 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý, những ngày cuối tháng 7, Fecon cũng nhận thêm thư trao thầu gói “Sản xuất khối neo trọng lực” cho dự án điện gió ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia trị giá 178,6 tỷ đồng. Đây là gói thầu Fecon sẽ hợp tác với tổng thầu đến từ Đức thực hiện thí điểm công nghệ móng nổi cho các dự án điện gió ngoài khơi - rất nhiều ưu việt cả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường có thể áp dụng tại các vùng biển nước sâu.
Theo kế hoạch, Fecon sẽ sản xuất khối neo trọng lực cho công nghệ móng nổi dự án điện gió ngoài khơi từ nay đến cuối năm 2023, tại cảng Dung Quất Quảng Ngãi, sau đó vận chuyển đến dự án để tổng thầu đến từ Đức tiến hành lắp đặt. Đây là gói thầu đánh dấu một mốc quan trọng của Fecon trong quá trình nghiên cứu phát triển các công nghệ xây dựng công trình điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng, nhằm thúc đẩy mục tiêu tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung.
Như vậy, nếu tính cả các dự án đã nhận thư trao thầu, lũy kế từ đầu năm đến nay, Fecon ghi nhận tổng cộng 1.567 tỷ đồng tại các dự án chủ yếu trong mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng.
Nợ vay tăng nhanh, lợi nhuận hợp nhất "bốc hơi"
Fecon công bố trúng thầu trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023, với nhiều thông tin tài chính đáng chú ý.
|
"Ẵm" thêm loạt gói thầu hơn 500 tỷ, Fecon kinh doanh thế nào? (ảnh minh họa: Internet).
|
Trước đó, Công ty CP Fecon đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận công ty mẹ tăng trưởng nhưng lợi nhuận tại báo cáo hợp nhất ghi nhận thua lỗ. Cụ thể, tại báo cáo tài chính công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế của Fecon đạt 27,58 tỷ đồng, tăng trưởng 299,23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình nguyên nhân lợi nhuận công ty mẹ tăng trưởng mạnh trong quý II/2023, Fecon cho biết do trong quý II/2023, doanh thu hoạt động tài chính công ty mẹ tăng 15,89 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 218,65%, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ cổ tức năm 2022 của các công ty con (Công ty CP Thiết bị Fecon, Công ty CP Fecon Hải Đăng…).
Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp của công ty mẹ tăng 13,97 tỷ đồng, tương đương tăng 27,31%, nguyên nhân chủ yếu do tỷ suất lợi nhuận gộp tăng hơn so với cùng kỳ. Trong kỳ này, một số dự án công ty mẹ thực hiện có tỷ suất lợi nhuận tốt do quản lý các chi phí của dự án đảm bảo sát theo kế hoạch xây dựng thời điểm ký kết hợp đồng.
Trong khi đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Fecon ghi nhận doanh thu gần 674 tỷ đồng, giảm 35,15% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm 54%, còn hơn 5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 33%, từ 54 tỷ đồng lên chạm mức 72 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng lên 18 tỷ đồng, tương ứng gần 40%, góp phần bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp đưa về cuối kỳ.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý II/2023 của Fecon lỗ 1,44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 7,9 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế hợp nhất lỗ 1,44 tỷ đồng, Fecon cho biết, lợi nhuận gộp của hợp nhất tăng 18,83 tỷ đồng, tương ứng 17,75% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp các dự án tốt hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chi phí lãi vay của hợp nhất kỳ này tăng 17,84 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ tăng 33,78% do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất cho vay vào cuối năm 2022 và số dư vay tăng cao khi thị trường khó khăn tác động đến việc thu hồi công nợ.
Cùng đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 5,47 tỷ đồng tương ứng giảm 51,32% nguyên nhân do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm so với cùng kỳ khi dòng tiền dôi dư bị hạn chế hơn. Như vậy, dù lợi nhuận gộp tăng song không đủ bù sự gia tăng của chi phí tài chính và suy giảm doanh thu hoạt động tài chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, Fecon ghi nhận doanh thu đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 1,37 tỷ đồng, tăng 9,6%. Năm 2023, Fecon đặt kế hoạch doanh thu thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng, Fecon hoàn thành 33,7% mục tiêu doanh thu và mới chỉ hoàn thành 1% mục tiêu lợi nhuận.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến 30/6/2023, tổng nợ phải trả của Fecon đã lên đến 4.279 tỷ đồng, tăng 182 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (tương đương 4,44%). Phần lớn là nợ vay tài chính với 3.012 tỷ đồng (tăng thêm hơn 300 tỷ đồng sau 6 tháng).
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Fecon cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp xây dựng này đã chi ra hơn 137 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay (cùng kỳ 99 tỷ đồng).