“Người ta nhìn thấy tổ ong vò vẽ thì chạy càng xa càng tốt còn mình thấy thì lại lao vào”, đó là chia sẻ của anh Hà Văn Luật (SN 1990), trú tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) về nghề săn bắt và nuôi ong vò vẽ của mình.
Những tổ ong vò vẽ được treo lủng lẳng trong vườn nhà anh Luật. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Nhìn khu vườn treo lủng lẳng những tổ ong vò vẽ hình cầu hoặc hình tròn màu nâu đất không ít người sẽ thấy “khiếp sợ” bởi đây là loài ong kịch độc nhưng cũng chính nhờ nghề này, anh Luật có thể thu về số tiền hàng chục triệu đồng/vụ.
Anh Luật sinh ra và lớn lên ở xã Đông Cửu, một xã miền núi của tỉnh Phú Thọ. Sống và gắn với núi rừng, nương rẫy từ nhỏ để mưu sinh, lớn lên, thấy nhiều người tìm mua nhộng ong vò vẽ về làm mồi nhậu với giá cao nên ngoài đi “ăn ong” trên rừng, khi gặp những tổ ong nhỏ hơn, anh lại cắt, mang về nuôi trong vườn nhà.
Mỗi vụ anh nuôi từ 60-80 tổ ong, cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
“Loài ong này có đặc tính làm tổ lộ thiên ở các cành cây, bụi cây thậm chí là ở dưới đất nên rất dễ tìm, tổ lại rất to nhưng là loại hung hãn nhất trong họ ong bắp cày. Nọc của loài ong này có độc tính rất cao có thể gây ra chết người nên nó cũng được mệnh danh là loài ong sát thủ của núi rừng”, anh Luật nói.
Anh Luật đi kiếm ong vò vẽ về lấy nhộng bán với giá 500 nghìn đồng/kg. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Những năm về trước, anh cũng thường xuyên khai thác nhộng của loài ong này trực tiếp tại tổ trên núi và mang đi bán với giá từ 250-400 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Thu nhập của anh có thể lên đến tiền triệu cho những ngày trong vụ.
Ong vò vẽ có thể làm tổ trên cây hoặc dưới lòng đất và chỉ cho thu hoạch nhộng. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Tuy nhiên, tại địa phương anh, hàng năm có rất nhiều trường hợp bà con đi rừng bị ong vò vẽ đốt, phải nhập viện. Vì vậy, ngoài tìm nhộng ong, khi thấy những tổ ong nhỏ, chưa đến tuổi thu hoạch, anh bắt về nuôi trong vườn, vừa để kiếm thêm thu nhập vừa giúp người dân tránh gặp phải nguy hiểm khi đi nương, rẫy.
Những tổ ong vò vẽ làm tổ lộ thiên nên rất dễ nhìn thấy, tuy nhiên chúng rất hung dữ. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Thời điểm tìm tổ về nuôi của anh Luật kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7. Cứ mỗi lúc lên nương, lên rừng anh lại lặn lội đi tìm ong khắp các bụi cây, bụi cỏ. Nhìn thấy tổ ong lần nào anh cũng đều mừng rỡ như bắt được vàng.
Khi thu hoạch ong tại vườn nhà hay trên núi, để tránh bị ong đốt, anh đều phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân để đảm bảo an toàn khi chạm vào tổ của chúng. Đến thời điểm hiện tại anh Luật đã có cho mình một khu vườn với 50 tổ ong vò vẽ màu nâu đất treo lủng lẳng.
Anh Luật bên khu vườn nuôi ong vò vẽ của mình.
Theo anh Luật, công việc nuôi ong vò vẽ không hề tốn kém bất cứ chi phí nào bởi sau khi được đưa về vườn nhà loài ong này sẽ tự tiếp tục kiếm ăn và xây tổ. Sau 1-2 tháng là có thể thu hoạch. Mỗi tổ sau khi nuôi trung bình nặng từ 2-4kg, tổ càng to thì càng nhiều nhộng.
Nhộng ong vò vẽ được nhiều người lùng mua với giá cao. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Vì đây là loại ong cực kỳ hung dữ nhưng nhộng của chúng lại rất bổ dưỡng, được “dân nhậu” tìm kiếm về chế biến làm mồi nhậu hoặc ngâm rượu nên có bao nhiêu ong thương lái cũng lùng mua hết đến đó. Với số lượng từ 60-80 tổ ong nuôi trong vườn nhà, anh Luật có thể thu về gần 50 triệu đồng.
Ngoài nuôi ong vò vẽ, anh Luật còn đi kiếm mật ong rừng về bán. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Ngoài công việc nuôi ong vò vẽ anh Luật cũng thường xuyên khai thác các tổ ong mật trên núi mang về bán tăng thêm thu nhập. Vào mùa cao điểm, anh Luật có thể kiếm được cả triệu đồng/ngày nhờ nghề săn ong rừng.