Đó là chia sẻ của chị Thanh Yến (SN 1991) về quá trình khởi nghiệp của mình với xuất phát điểm không hề dễ dàng.
Chị Yến sinh ra trong một gia đình nghèo tại Phú Thọ. Bố mẹ làm ruộng nên kí ức của chị là những ngày mùa mấy chị em phải dậy tuốt lúa từ 12 giờ đến đến sáng rồi đi học.
“Nhà tôi khi ấy chưa có điện, trời nắng nóng nên toàn phải đi gặt tối. Ăn cơm xong khoảng 8 giờ tối là cả nhà đi gặt cả đêm đến sáng. Có hôm đang gặt thì buồn ngủ, tôi lăn ra bờ ruộng ngủ mất. Sáng dậy đã thấy mẹ gặt gần xong. Mùa sắn thì theo bố lên đồi nhổ sắn. Gánh sắn nặng đến nỗi, tôi đi sau mà thấy bố gánh gãy cả đòn gánh. Cả núi sắn chất đống trong nhà, sáng dậy bố mẹ không ngủ làm xong hết veo…”, chị Yến kể.
Khó khăn, vất vả nên lúc nào chị Yến cũng tự nhủ rằng, lớn lên mình sẽ phải kiếm thật nhiều tiền để cho bố mẹ không phải khổ. Vì vậy, suốt những năm tháng đi học, chị vừa học, vừa làm thêm, tự trang trải cuộc sống tại thành phố với chi phí đắt đỏ.
Suốt những năm tháng sinh viên chị Yến luôn nỗ nực vừa học vừa làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.
“Sinh viên năm nhất, ngoài thời gian đi học thì tôi bắt đầu đi làm thêm công việc quét vàng mã với mức lương 300.000 đồng/tháng. Công việc vất vả, bụi giấy phủ kín người, về nhà còn bị mọc mụn nước khắp người nhưng tôi vẫn cố kiếm tiền. Rồi năm thứ 2, thứ 3 thì đi bán sim dạo, năm thứ 4 thì đi tiếp thị đồ gia dụng”, chị Yến nói.
Khó khăn, vất vả nhưng với chị Yến, so với những năm tháng tuổi thơ mà mình đã trải qua thì vẫn chưa là gì.
Những ngày đi bán sim dạo quanh các con phố, vào các ngõ, xuống các chợ… mỗi ngày chị đi bộ hàng chục km. Chị đi nhiều đến nỗi, cổ, mặt, chân, tay đều là các vết cháy nắng. Hết giờ làm, các bạn khác nghỉ thì chị vẫn đi đến các quán ăn, quán nhậu để bán tiếp.
Những ngày đi tiếp thị đồ gia dụng, chị Yến cùng với nhân viên sale vác nồi đến từng nhà để bán. Nhờ nỗ lực, mỗi ngày chị bán được từ 5-10 chiếc. Sếp thấy chị bán tốt nên cho chị đứng ra đào tạo nhân viên, set up các chi nhánh bán hàng ở khắp các tỉnh.
Thời gian đi khắp các tỉnh nghiên cứu thị trường và setup các chi nhánh đã giúp chị được đi đến nhiều nơi và học hỏi được nhiều thứ.
“Tôi được giao nhiệm vụ đến các tỉnh nghiên cứu thị trường rồi thuê văn phòng, tuyển quản lý, nhân viên, đào tạo rồi bàn giao đi các tỉnh khác. Trong 1 năm, tôi mở được 20 chi nhánh từ Bắc vào Nam. Ngày đi bán hàng, tối đến đi dán cả nghìn tờ rơi tuyển dụng khắp nơi”, chị Yến nói.
Làm việc hết mình ở ngoài trời vất vả trong thời gian dài, thế nhưng, công ty lại chỉ trả lương cứng, còn lại 100 triệu tiền thù lao bán hàng cả năm chị bị công ty “quỵt” mất. Chị quyết định nghỉ việc và đi tìm công việc khác.
Những năm tháng tiếp theo chị tiếp tục cùng bạn bè làm thêm các dự án như mở công ty du học, dịch vụ làm thẻ ngân hàng, kinh doanh khóa học online…
Thời gian chung vốn làm cùng bạn suốt 4 năm, chị nhận ra mình luôn cố gắng làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Nhiều hôm phải họp đến 2-3 giờ sáng. Không tính toán thiệt hơn, làm hết mình nhưng khi thành công, bạn lại lấy phần lớn lợi nhuận, chỉ chia cho chị số nhỏ hoặc tính thêm rất nhiều các chi phí trên trời, không thuộc dự án đang làm để bắt chị chịu cùng.
Bất đồng quan điểm, vì vậy, chị nghỉ làm với bạn, về tự kinh doanh riêng và hỗ trợ chồng kinh doanh.
Chị Yến đã đứng ra làm riêng và xây dựng đội ngũ nhân viên hơn 20 người.
Mở công ty vào khoảng tháng 10/2019, trước thời gian dịch bệnh Covid-19 xuất hiện chỉ vài tháng, chị Yến lựa chọn cho mình lĩnh vực Logistic mua hộ và vận chuyển hàng hóa từ các nước về Việt Nam.
Theo chị Yến, chị chọn ngành này vì thấy thị trường Việt Nam rất có tiềm năng. Mọi đồ đạc mình dùng hay nguyên liệu sản xuất của các nhà máy phần lớn là nhập khẩu của nước ngoài. Hơn nữa, đây là ngành dịch vụ, dịch bệnh càng khó khăn thì khách hàng lại càng cần mình.
Với 500 triệu đồng tiền vốn, chị đã đầu tư vào setup riêng phần mềm, đầu tư tuyển dụng và đào tạo nhân sự, bỏ tiền vào chạy quảng cáo.
“Lĩnh vực này là làm dịch vụ nên mọi thứ đều phải làm tốt. Tôi xác định phải chăm sóc khách hàng tận răng, nhiều khi phải chịu lỗ để giữ chân khách. Đồng thời cam kết nếu sau 1 tháng mà không nhận được hàng sẽ đền 100% tiền”, chị Yến cho hay.
Thời gian dịch bệnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khách không bán được hàng, không sản xuất được nên hạn chế nhập hàng. Nhiều khách trong vùng dịch bị phong tỏa không nhận được hàng nên tồn kho nhiều. Nhân viên kho không làm online được, kho bị phong tỏa không ra không vào được.
Để khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, chị Yến đã luôn đồng hành cùng nhân viên và khen thưởng kịp thời những nhân viên xuất sắc.
Vì vậy, chị phải áp dụng nhiều giải pháp như thuê một kho hàng khác để cho hàng mới về, tập kết hàng ở ngoại thành rồi chia nhỏ thành nhiều xe tải để trở vào, thuê nhân viên thời vụ để bốc và trả hàng. Bản thân chị cũng tự ra làm cùng nhân viên để trả hàng. Đồng thời cho nhân viên ăn ở tại nơi làm việc, tăng lương, hỗ trợ tối đa cho nhân sự.
Bắt tay vào làm bài bản, vì vậy, lượng khách sử dụng dịch vụ bên chị ngày một đông, doanh thu năm 2020 của công ty chị đạt gần 70 tỷ đồng, lợi nhuận năm đầu tiên chị thu về được gần 3 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021, chị Yến thu về lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, chị và chồng cùng kinh doanh thêm mảng thời trang, là những mặt hàng giá rẻ, bình dân. Chị hỗ trợ chồng khâu marketing, quảng cáo livestream bán hàng. Ngược lại, chồng chị cũng hỗ trợ chị việc làm thủ tục hải quan, nhập khẩu hàng hóa.
Dù dịch bệnh nhưng cả 2 mảng của 2 vợ chồng vẫn hoạt động đều. Doanh số mảng kinh doanh của chồng chị vẫn duy trì ở mức 300-500 đơn/ngày, dự kiến mang về lợi nhuận 4-5 tỉ/năm.
“Khi công việc đã ổn định, tôi có thể giúp đỡ được bố mẹ rất nhiều về kinh tế. Đến nay bố mẹ tôi đã không còn phải làm việc vất vả nữa. Năm vừa rồi, tôi đã mua tặng bố mẹ mảnh đất gần 1.000 m2 và tặng 2 tỉ tiền mặt để bố mẹ yên tâm dưỡng già”, chị Yến cho hay.
Nhờ làm việc bài bản, có kinh nghiệm nên dù mùa dịch, vợ chồng chị vẫn nhận về từ 300-500 đơn hàng/ngày.
Chị Yến cho rằng, quãng thời gian đi làm thêm thời sinh viên và làm chung với bạn khi ra trường đã cho chị rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Dù làm việc vất vả, bị quỵt tiền, và tiền thu về không nhiều nhưng chị được học và trải nghiệm các kỹ năng như sale, marketing, đào tạo, đàm phán, quản lý… bằng tiền của người khác mà nếu chỉ đi làm công thông thường sẽ không bao giờ có cơ hội để làm
“Tôi quan niệm, bản thân bắt đầu từ con số 0 và không có gì để mất. Sinh ra ở quê, không có tiền bạc, không quan hệ, không kinh nghiệm. Chỉ có tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần ham học hỏi. Nếu đi làm chỉ sợ thiệt, công ty trả tôi 10 đồng tôi chỉ làm đúng với 10 đồng hoặc chỉ làm 9 đồng thôi thì không bao giờ tôi có cơ hội được học, được biết, được làm những thứ ở tầng cao hơn”, chị Yến bộc bạch.
Đặc biệt, theo chị Yến, muốn thành công thì đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống. Dù bị đối xử tệ, dù lương thấp hay bị sếp lợi dụng, hãy sống và làm việc hết mình như ngày hôm nay là ngày cuối cùng làm việc của bản thân, chắc chắn 1 ngày cơ hội sẽ đến.