Lý do ngành nông nghiệp không "giải cứu" 80.000 tấn cam sành bị tồn đọng ở Vĩnh Long.
"Giá cam sành giảm mạnh, ngành nông nghiệp cảm thấy xót nhưng hiện không còn chính sách giải cứu, giá giảm là do quy luật cung cầu, nhà nước không can thiệp được" - ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh với phóng viên Dân Việt.
Ông Liêm phân tích, nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh chưa từng có là do quy luật cung cầu của thị trường, cung đã vượt cầu.
Theo quy hoạch tới năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Long có 15.000ha cam sành nhưng hiện tại đã 17.000ha, tức diện tích tăng và đi trước quy hoạch rất xa. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mỗi năm tăng hơn 1.000ha.
Theo ông Liêm, do diện tích cam sành Vĩnh Long tăng nhanh nên 3 năm trước đây, tức là từ năm 2020, ngành nông nghiệp đã có cảnh báo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng.
"Ngành nông nghiệp chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo người dân không nên tăng về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, do giá cam sành từ 3-4 năm qua khoảng 15.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận nên người dân đổ xô trồng bất chấp, trồng theo phong trào" - ông Liêm nói.
Cụ thể, theo ông Liêm, thậm chí người dân đi thuê đất trồng cam sành với giá cao, trước đây từ 4-5 triệu đồng/1.000m2, còn hiện nay là 9 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, giá vật tư và giá thuê lao động cũng rất cao, kiến chi phí trồng 1.000m2 cam sành tăng lên 80-90 triệu đồng trong khi nhiều năm trước từ 50-60 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long nói thêm: "Không riêng gì cam sành, sau này còn mít Thái, sầu riêng, thanh long,...cứ trong vòng luẩn quẩn như vậy hoài, nhà nước không có chính sách giải cứu".
Giải quyết lượng cam sành Vĩnh Long còn tồn động như thế nào?
Theo ông Liêm, những năm trước, thông thường, vào thời điểm Tết Nguyên đán giá cam sành giảm, qua Tết tăng trở lại. Nhưng năm nay, qua Tết giá cam sành lại giảm, số lượng cam sành tới thời điểm thu hoạch nhiều quá, thêm vào đó là lượng cam mà người dân neo lại trước Tết nữa nên xảy ra ùn ứ.
Ngoài Vĩnh Long, rất nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng trồng cam sành. Chưa dừng lại ở đó, các vùng miền khác cũng có trồng cam như Nghệ An, Hưng Yên, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên.
Do vậy, các doanh nghiệp, thương lái không thể vận chuyển cam sành Vĩnh Long ra các vùng đó bán được (không cạnh tranh được giá, chi phí vận chuyển cao).
Điều quan trọng là hiện nay, cam sành Vĩnh Long vẫn chưa xuất khẩu trái tươi do đặc điểm vỏ xấu, không láng và có màu vàng, màu đỏ như cam ngoại. Ngoài ra, vẫn chưa có doanh nghiệp ở Vĩnh Long chế biến sâu loại trái cây này.
Chính vì những lý do trên, theo ông Liêm, việc tiêu thụ cam sành Vĩnh Long chỉ dừng lại ở việc bán trái tươi, làm nước giải khát (nước ép cam) cho các chợ ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Hiện nay, đối với lượng cam sành ùn ứ, cần thu hoạch sớm sẽ do cộng đồng tự làm, do nhiều tổ chức, cá nhân vận động người tiêu dùng tiêu thụ giúp. Riêng về Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, ông Liêm cho hay, sẽ tiếp tục yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân không tiếp tục mở rộng diện tích.
Đối với diện tích đã trồng, khi giá cam sành giảm sâu có thể cắt bỏ trái, "hy sinh 1 vụ" để dưỡng cây, khi nào thấy giá lên dần thì để trái. Tuyệt đối không nên thấy giá cam sành giảm mạnh mà đốn bỏ vườn, rồi khi giá tăng lại đi trồng mới, tốn thêm chi phí và mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, huyện Trà Ôn đang bị tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam sành, huyện Tam Bình khoảng 10.000 tấn và huyện Vũng Liêm khoảng 10.000 tấn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, giá cam sành tại vườn được thương lái mua từ 1.500 – 4.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, loại cam sành đã chín, vượt thời gian thu hoạch từ 1-2 tháng có giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg (loại này ít có thương lái đến mua). Do thương lái ít đến mua nên dẫn đến tình trạng ùn ứ.