Theo báo cáo tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 5/2020, tổng doanh thu năm 2019 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) đạt 11.609 tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 211 tỷ đồng, vượt 109% kế hoạch đề ra.
Trong khi tổng tài sản đạt 164.196 tỷ đồng, tăng 16,8%. Doanh thu thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 184 tỷ đồng, tăng 114,4%. Tín dụng đạt 100.105 tỷ đồng, tăng 15,8%. Huy động vốn đạt 148.448 tỷ đồng, tăng 23,1%. Mạng lưới 121 chi nhánh/điểm giao dịch trên toàn quốc.
Năm 2019, lợi nhuận PVCombank tăng mạnh phần lớn nhờ thị trường trái phiếu.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính riêng 2019, tổng nợ xấu của PVCombank tại thời điểm cuối năm 2019 là khoảng 918 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,17% so với 2,48% cuối năm 2018.
Hơn nữa, nếu tính cả nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý được thì con số này vào khoảng 6.016 tỷ đồng (tăng 4% so với cuối năm 2018), tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 7,68% so với 7,87% vào cuối năm 2018.
Theo Báo Đấu thầu, PVCombank hiện đang là nhà tài trợ vốn cho một loạt doanh nghiệp khoáng sản, địa ốc, tài chính nắm giữ cả trăm triệu cổ phần của chính Ngân hàng này. Trong số đó, có thể kể đến Công ty CP Đầu tư Địa Việt. Doanh nghiệp này từng cầm cố hàng chục triệu cổ phần PVCombank (mã chứng khoán PVB) tại Techcombank, SeABank.
Lãnh đạo PVCombank cho biết, năm 2020, Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và Ngân hàng xác định năm 2020 sẽ là một năm với rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện của cán bộ nhân viên toàn hệ thống và sự hỗ trợ của cổ đông, khách hàng. Bởi vậy, Ngân hàng cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, an toàn nhằm vượt qua khó khăn dịch bệnh và tiếp tục quá trình tái cơ cấu như đề án đã được phê duyệt.
Năm 2020, PVCombank đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 9.991 tỷ đồng, lợi nhuận 74,9 tỷ đồng. So với kế hoạch 2019, lợi nhuận 2020 dự kiến giảm ¼ và bằng hơn 1/3 so với thực hiện 2019.
Diễn biến vụ việc PVCombank chi nhánh Đồng Nai bị tố lừa đảo được Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm cho biết: Từ tháng 8/2018, chị Lê Thị Xuân Bích (SN 1981) và anh Trần Bá Thắng (SN 1993) đã lần lượt mở các sổ tiết kiệm tại PVCombank chi nhánh Đồng Nai với tổng số tiền là 10, 647 tỷ đồng (làm tròn) (hai người là khách hàng VIP từ năm 2015). Bà Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) và Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên), là người thường xuyên liên lạc giải quyết các thủ tục Ngân hàng, đưa giấy tờ cho khách hàng ký.
Chị Bích sau khi nghe hai nhân viên trên nói huy động chuyển tiền từ Ngân hàng khác về với chế độ sẽ trả lãi cao hơn nên đã đi vay ngoài, vay Ngân hàng khác để nộp thêm về tài khoản PVCombank tổng số tiền là 23,151 tỷ đồng. Nhưng các sổ tiết kiệm của chị Bích và anh Thắng lại được Ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai giữ.
|
Chị Lê Thị Xuân Bích và anh Trần Bá Thắng tố Ngân hàng PVCombank lừa đảo. (Ảnh: Thương hiệu và Sản phẩm). |
Ngày 7/7/2019, khi chị Bích, anh Thắng báo PVCombank chi nhánh Đồng Nai để chuẩn bị rút tiền, thì 2 nhân viên Vân và Hương lại nói: “Giám đốc Ngân hàng đang yêu cầu chạy chỉ tiêu, rồi sau đó lại nói tiền của khách hàng đã phong tỏa và làm bảo lãnh nên tạm thời chưa tới hạn không được mở”...
Ngày 4/9/2019, khi chị Bích và anh Thắng đến yêu cầu làm việc với Giám đốc Ngân hàng để làm rõ lại được hai nhân viên Vân và Hương đưa vào phòng họp của Ngân hàng, gặp ông Trần Trung Nam (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư bất động sản Pearland) và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư XNK Hoàng Kim), đều ở TP HCM.
Nhóm 4 người này tiết lộ được Ngân hàng lớn cấp cam kết giải ngân 700 - 800 tỷ đồng để mua các tài sản thế chấp quá hạn tại các ngân hàng tại: An Giang, Long An, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hóc Môn,… đồng thời đang làm dự án bất động sản lớn ở quận 9, TP HCM…
Hai nhân viên Vân và Hương cùng ông Nam và bà Tâm sau đó thuyết phục chị Bích cùng anh Thắng cầm cố tài sản của để hỗ trợ cho việc kinh doanh của họ. Lãi suất liên quan đến khoản cầm cố cùng thiệt hại về tài sản họ sẽ chịu trách nhiệm. Đồng thời, họ nói khoảng 1 tuần là xong, nếu không thì tiền đã gửi khó lấy được về sớm.
Chị Bích và anh Thắng đã đồng ý đem tài sản của mình để đưa họ cầm cố hỗ trợ thêm với hy vọng họ xong việc sớm hơn, tiền sớm lấy lại được. Hai khách hàng này còn đưa thêm hơn 43 tỷ đồng tiền mặt vào tài khoản PVCombank cho 4 người trên. Đến khi phát hiện các giấy tờ liên quan đến những dự án bất động sản đều không có thật, không có cơ sở pháp lý nào thì sự việc đã quá trầm trọng.
Tổng số tiền tiết kiệm, tiền trong tài khoản, vay ngoài và cầm cố tài sản, lãi ngoài phát sinh của anh Thắng và chị Bích được thống kê lên đến hơn 68,67 tỷ đồng.