Nước có điều tai dị, khuyên vua Lê chúa Trịnh sửa đức

Google News

Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì đã làm tờ khải lên chúa Trịnh Tùng, khuyên làm những điều nhân đức để dân yên, nước được hưởng thái bình.

- Năm 1612 nhân trong nước có nhiều điều tai dị, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì đã làm tờ khải lên chúa Trịnh Tùng, khuyên làm những điều nhân đức để dân yên, nước được hưởng thái bình.

Làm những điều nhân đức để dân yên, nước được hưởng thái bình

Trước đây, trong thiên nhiên, đất trời hễ có một hiện tượng bất thường xảy ra (như hạn hán, lụt lội, động đất, sao Chổi xuất hiện....) người ta thường gắn với những sự bất ổn về chính trị, xã hội và quy trách nhiệm cho những người cầm đầu chính thể quốc gia.
 
Vì vậy, vào những dịp có hiện tượng thiên nhiên bất ổn xuất hiện, nhiều vị đại thần có tâm huyết với vận mệnh quốc gia thường dâng lên các bậc vua chúa những tờ khải, lời tâu... để sửa đức và đưa ra các biện pháp khắc phục, giảm các tai nạn cho dân, cho nước. Dưới đây là tờ khải của một vị quan đại thần dâng lên chúa Trịnh Tùng, người trực tiếp nắm quyền điều hành đất nước lúc bấy giờ.

Tác giả tờ khải là ông Nguyễn Duy Thì (1572 - 1652). Ông người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, nay là xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 27 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Quang Hưng 21 (1598) đời vua Lê Thế Tông. Ông từng hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1606 và 1623. Làm quan đến chức Tá lý công thần, Tham tụng bộ Hộ, Thượng thư kiêm chưởng lục bộ sự, Thái phó, tước Tuyền quận công kiêm Tể tướng Quốc tử giám, được mở phủ.
 
Tác phẩm của ông hiện còn hai bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi tập. Ông có người con trai tên là Nguyễn Duy Hiểu cũng vào năm 27 tuổi (1628) đi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) làm quan đến chức Đô ngự sử, từng được cử đi sứ sang nhà Minh và mất trên đường đi, được tặng chức Hình bộ tả thị lang, tước hầu.

Tháng 8, mùa thu năm Nhâm Tý (1612) đời vua Lê Kính Tông, Nguyễn Duy Thì cùng giám sát ngự sử 13 đạo là Phạm Tuân dâng tờ khải lên Bình An vương Trịnh Tùng rằng: "Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cũng một lẽ, lòng dân vui thích, tức là được ý của Trời. Thế cho nên người khéo trị nước yên dân như cha mẹ yêu con. Thấy đói rét thì thương, thấy khổ sở thì xót. Cấm hà khắc bạo ngược, không đánh thuế bừa bãi để cho dân được thoả sống mà không có tiếng oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân.
 
Nay Thánh thượng để ý đến dân, một chính sự thi hành cũng cốt nuôi dân, một mệnh lệnh ban xuống cũng răn nhiễu dân, lòng yên dân của Thánh thượng thực không khác gì độ lượng của Trời Đất cha mẹ vậy".

Ban thờ Nguyễn Duy Thì vói bức hoành phi “Tướng công tử”.
Ban thờ Nguyễn Duy Thì vói bức hoành phi “Tướng công tử”.

"Phải làm chính sách giữ dân, thì dưới thuận lòng dân"...

Tiếp đó, Nguyễn Duy Thì nêu rõ những việc làm sai trái, hà hiếp dân, những rối ren trong đời sống đất nước mà nguyên nhân chính là do đội ngũ quan lại các cấp: "Những người thừa hành không biết thể theo y đức của Thánh thượng mà họ chỉ chăm làm việc hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ một huyện, coi một xã thì làm khổ một xã, phàm những việc nhiễu dân, không việc gì là họ không làm, khiến dân trong một nước, con trai thì có người không áo, con gái thì có người không váy... dân mọn nghèo nàn, cho chí sâu bọ cỏ cây đều không được thoả sống.
 
Vì thế, cảm động đến Đất Trời, đến nỗi lòng trời ở trên chưa thuận, tai hoạ, lụt lũ quá mức thường, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi tu tỉnh, nghĩ đến cái lỗi làm nên thế nào?".

Nguyễn Duy Thì còn khải với chúa Trịnh tất phải làm chính sách giữ dân, thì dưới thuận lòng dân, trên hợp ý trời, mà chuyển tai biến làm lành, thóc lúa được mùa, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước bởi đó mà bền vững lâu dài vậy.

Qua tờ khải, Nguyễn Duy Thì đã khuyên nhà chúa và đức vua hãy sửa đức để cầu mệnh Trời, nuôi dân để yên lòng Trời, chính là làm yên nước yên dân để dân, nước được hưởng thái bình.

Trịnh Dương

[links()]

Bình luận(0)