|
Nhà nghiên cứu đã tìm thấy yếu tố sinh học ở người béo phì liên quan tới nguy cơ mắc bệnh ung thư. |
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, béo phì có liên quan với tăng nguy cơ của nhiều loại ung thư nhưng nó liên kết chặt chẽ nhất với các bệnh ung thư đường tiêu hóa, ung thư tuyến tụy và ung thư vú sau mãn kinh. Một nghiên cứu ước tính, theo xu hướng hiện nay, có thể béo phì sẽ dẫn đến khoảng 500.000 trường hợp nhiễm bệnh ung thư vào năm 2030.
Nhiều giả thuyết lý giải tại sao béo phì trực tiếp làm tăng nguy cơ ung thư. Một nhà nghiên cứu đại học Steinhardt New York có thể xác định chính xác một cơ chế sinh học cơ bản chịu trách nhiệm về mối liên kết giữa béo phì và bệnh ung thư. Trong một nghiên cứu gần đây, chuyên gia dinh dưỡng dịch tễ học Niyati Parekh phát hiện rối loạn insulin và glucose cơ thể có liên quan đến bệnh béo phì - có thể gây ung thư. Đây là một phát hiện có thể giúp tìm ra phương pháp điều trị và kiểm soát các bệnh nhóm này tốt hơn.
"Tôi biết có rất nhiều các yếu tố dinh dưỡng tiềm ẩn có thể ngăn chặn sự tái phát của ung thư hoặc ngăn ngừa ung thư nói chung", chuyên gia Parekh chia sẻ. "Tuy nhiên, béo phì là một vấn đề rất lớn ở Mỹ và chúng tôi đã phát hiện ra nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở người béo phì thông qua nghiên cứu”, ông nói.
Chuyên gia Parekh đã phân tích khoảng 4.600 người tham gia nghiên cứu, kiểm tra dữ liệu liên quan đến chế độ ăn uống của họ, các vấn đề y tế, máu và lịch sử về thể chất.
Thông qua phân tích chuyên sâu, Parekh thấy rằng sự gia tăng nguy cơ ung thư liên quan đến bệnh béo phì ở những người bị rối loạn insulin và glucose trong cơ thể của họ, điều kiện chủ yếu liên quan với bệnh tiểu đường và tiền đái tháo đường.
"Những người béo phì có nhiều khả năng xuất hiện những bất thường về nồng độ insulin trong máu của họ", Parekh nói. "Insulin là người gác cổng đưa glucose vào các tế bào, vì vậy, khi quá trình sản xuất insulin bị phá vỡ, glucose (liều lượng cao) vẫn còn tồn tại trong máu. Việc tăng glucose trong máu tạo ra một môi trường thuận lợi cho các tế bào ung thư phát triển nhanh chóng".
Theo chuyên gia Parekh, glucose là nguồn năng lượng chính cho nhiều tế bào trong cơ thể, và các tế bào ung thư cũng sử dụng glucose để tái tạo một cách nhanh chóng. Vì vậy, số lượng glucose cao trong máu có thể giúp cung cấp một nguồn năng lượng trực tiếp cho các tế bào ung thư phát triển và lan rộng.
Ngoài ra, tỷ lệ cao insulin cũng có thể làm thúc đẩy sự lây lan của bệnh ung thư bởi insulin là một hormone khuyến khích tăng trưởng tế bào. Từ đó, insulin có thể kích thích các tế bào ung thư tăng trưởng, sinh sản và di căn.
Với sự phát hiện về cơ chế này sinh này, chuyên gia Parekh hy vọng các bác sĩ và bệnh nhân ung thư bị bệnh béo phì sẽ có hiểu biết hơn về vấn đề thừa cân cũng như điều chỉnh phương pháp điều trị các bệnh ung thư béo phì.