Trẻ uống nhầm dầu hỏa, sơ cứu bằng cách này trẻ càng nguy kịch

Google News

(Kiến Thức) - Thông thường khi phát hiện trẻ uống dầu hỏa, người lớn thường tìm cách móc họng gây nôn cho trẻ để tống lượng dầu uống ra ngoài. Thực tế, cách sơ cứu này khiến trẻ có thể bị viêm phổi nặng, thậm chí nguy kịch.

Mới đây, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị viêm phổi vì uống dầu hỏa.
Trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh, quấy khóc, hơi thở và quần áo trẻ có mùi dầu hỏa nồng nặc. Các bác sĩ thăm khám hô hấp thấy trẻ thở nhanh, nhịp thở 42 lần/phút; Spo2 96%; Không co kéo cơ hô hấp; Phổi nghe rì rào phế nang 2 bên rõ; Họng đỏ, xung huyết mạnh…
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước khi vào viện khoảng 1 giờ, gia đình phát hiện đang chơi, trẻ cầm trai dầu hỏa để dưới gầm giường uống 1 ngụm, sau uống trẻ ho sặc sụa. Gia đình đã ngay lập tức tiến hành móc họng, gây nôn ở nhà nhưng trẻ vẫn ho khò khè nhiều nên đã vào viện.
Sau khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi sau uống dầu hỏa.
Hình ảnh Xquang bệnh nhân bị viêm phổi sau khi sặc dầu hoả. 
Bác sỹ cho biết, ngộ độc dầu hỏa thuộc nhóm ngộ độc hydrocacbon rất hay gặp ở trẻ em vào mùa nóng do trẻ tưởng nhầm dầu hỏa là nước uống.
“Các hidrocacbon đều rất ít được hấp thu qua đường tiêu hóa. Biến chứng nặng nhất chủ yếu là trẻ hít trực tiếp xăng dầu hoặc hít chất nôn ói gây viêm phổi nặng. Các biến chứng này hay xảy ra bởi người nhà thường móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể".
Tuy nhiên, các bác sỹ cảnh báo, gia đình tuyệt đối không móc họng gây nôn sau khi trẻ uống dầu hỏa. Gây nôn trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Do vậy, tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý thích hợp".
Các bác sỹ cũng khuyến cáo các gia đình không nên đựng rượu, dầu đốt đèn hoặc các loại hóa chất trong chai, lọ như chai lavie, trà xanh, C2… Các loại dung dịch này cần để cao, xa tầm tay của trẻ nhỏ để trẻ không bị uống nhầm.
Tâm An (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)