Các bố mẹ đã rất cẩn thận để những hóa chất độc hại ra xa khỏi tầm tay của trẻ, không có nghĩa là nguy hiểm đã hết hoàn toàn. Vì hàng năm các bệnh viện vẫn phải cấp cứu cho nhiều trẻ em ăn, uống nhầm hóa chất độc hại. Đặc biệt vào dịp hè, khi trẻ được nghỉ ở nhà mà lại thiếu sự giám sát của người lớn thì khả năng này còn tăng cao hơn.
Đầu tháng 5 vừa qua, một bé trai 2 tuổi uống nước từ một chai nước nhặt được ngoài đường khiến chảy máu đường tiêu hóa. Cháu bé nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, nôn nhiều và đau bụng. Đến nay vẫn không xác định được bé đã uống phải hóa chất gì nhưng các bác sĩ cho rằng, bé bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Khá nhiều trường hợp tương tự như trên xảy ra gây hoang mang cho các ông bố bà mẹ hiện nay.
|
Trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm hóa chất độc hại ngày càng xảy ra nhiều hơn. |
Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ thường uống nhầm phải hóa chất nằm ở độ tuổi từ 2-5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất tò mò, muốn khám phá những thứ xung quanh, vì thế khi bố mẹ sơ suất để hóa chất cạnh tầm với của trẻ mà trẻ vô tình thấy và uống phải, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Những loại hóa chất thường gặp như chất ăn mòn, chất tẩy rửa bồn cầu hoặc các chất đánh bóng bề mặt, gây ra tổn thương ở niêm mạc đường tiêu hóa, bỏng ở vùng miệng xuống đến thực quản, thậm chí đến dạ dày. Nếu trường hợp nặng, có thể gây loét và thủng dạ dày ở trẻ khi không xử lý kịp thời. Ngoài ra, xăng và dầu hỏa cũng là những thứ giống nước, gây lầm tưởng cho trẻ dẫn đến tình trạng viêm phổi do hít phải và có thể bị rất nặng.
Gặp phải tình trạng này, một số ít trường hợp bố mẹ móc họng cho con nôn với hy vọng là những chất độc hại sẽ được tống ra ngoài. Những chất gây ăn mòn hay chất bay hơi như xăng, dầu hỏa thì việc gây nôn là không có hiệu quả, vì như thế sẽ làm cho các chất độc hại sẽ lan rộng ra và gây bỏng đường tiêu hóa, đường hô hấp, có khả năng dẫn đến suy hô hấp cực kỳ nguy hiểm.
Khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, các bố các mẹ phải bình tĩnh, nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tốt nhất nên mang theo những loại hóa chất trẻ uống phải để bác sĩ có thể xác minh và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm hóa chất độc hại xảy ra trong thời gian gần đây. Cho nên các ông bố, bà mẹ không được chủ quan, phải luôn để chai lọ hóa chất ra xa tầm tay trẻ, tránh những trường hợp trẻ sơ ý uống phải rất nguy hiểm. Bố mẹ tránh đựng hóa chất sinh hoạt trong gia đình vào những chai mà trẻ dễ nhầm tưởng là nước uống.
(Ghi theo VOV2)