Test nhanh dương tính COVID-19…RT-PCR lại âm tính, sao vẫn cần xét nghiệm nhanh?

Google News

(Kiến Thức) - Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm nhanh cho gần 50 nghìn người thì có 11 người dương tính. Khi làm lại xét nghiệm RT-PCR để xác định SARS-CoV-2 thì đã có 10 người âm tính và 1 người đang chờ kết quả.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đến 14h ngày 1/8, theo số liệu rà soát, thống kê của các đơn vị, toàn thành phố đã ghi nhận 72.275 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 đến nay. Các quận, huyện, thị xã đã xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho gần 50.000 trường hợp, ghi nhận 11 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính đã được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR, đã có 10/11 trường hợp đã có kết quả âm tính sau xét nghiệm khẳng định, 1 trường hợp đang chờ kết quả.
Sở Y tế Hà Nội cũng báo cáo toàn thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 481 trường hợp, trong đó có 366 trường hợp có biểu hiện lâm sàng, đã có 424 trường hợp có kết quả âm tính, 57 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.
Test nhanh duong tinh COVID-19…RT-PCR lai am tinh, sao van can xet nghiem nhanh?
 
Vậy xét nghiệm nhanh là gì?
Xét nghiệm nhanh là xét nghiệm định tính hoặc bán định lượng kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu. Ưu điểm của loại xét nghiệm này là rẻ và nhanh, mục đích để sàng lọc người nhiễm hoặc ước tính tỷ lệ người nhiễm trong cộng đồng chứ không phải là để chẩn đoán xác định.
Xét nghiệm nhanh dương tính có nghĩa là người đó có kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu được hình thành tối thiểu từ 7 - 14 ngày trước đó sau phơi nhiễm với nguồn lây hoặc sau khi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu người đó bị nhiễm bệnh trước khi làm xét nghiệm nhanh vài ngày (< 7 ngày) thì chắc chắn xét nghiệm nhanh sẽ âm tính.
Để chẩn đoán xác định nhiễm bệnh, ngoài xét nhanh dương tính thì phải có xét nghiệm RT-PCR dương tính. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm nhanh dương tính mà xét nghiệm RT-PCR âm tính thì có thể lý giải rằng người đó đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc đã từng nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác không còn.
Âm tính vẫn cách ly 14 ngày
Trong trường hợp nếu xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm RT-PCR dương tính thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây (< 7 ngày) và kháng thể chống SARS-CoV-2 chưa kịp hình thành trong máu. Đây chính là khoảng trống "chết người" nếu chúng ta chủ quan không tiếp tục cách ly cho đủ ít nhất 14 ngày để chắc chắn rằng chúng ta không nhiễm bệnh (không có triệu chứng, hoặc xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính) để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.
Việc làm xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ có giá trị xác định tỉ lệ người từng nhiễm virus này, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp.
Như vậy, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác (Người bị nhiễm virus này ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể xét nghiệm này chắc chắn âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác).
Theo BS. Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Vì lý do kinh tế, kỹ thuật và thời gian cho nên xét nghiệm RT-PCR không thể làm rộng rãi trong cộng đồng, xét nghiệm nhanh hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất giúp chống dịch nếu chúng ta tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, nhất là tuân thủ việc cách ly theo quy định sau khi đi từ vùng dịch về.

Mời độc giả theo dõi video: Bảo hiểm xã hội trả tiền chữa bệnh COVID-19


An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)