Phụ nữ ly hôn biết về đâu?

Google News

Hôn nhân không hạnh phúc, tôi muốn quay về sống với bố mẹ nhưng các anh trai tôi không đồng ý với lý do: Con gái sau khi xuất giá thì phải theo chồng.

Phu nu ly hon biet ve dau?

Minh họa sưu tầm

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Nơi vẫn còn nặng tư tưởng coi trọng con trai. Tôi là gái nên so với hai anh trai có phần thiệt thòi hơn. Trong khi các anh đều được bố mẹ đầu tư học đại học thì tôi phải học nghề để đi làm. Bố tôi nói, con gái chỉ cần học cái nghề để nuôi thân rồi lấy chồng, không cần học cao làm gì. Sau một năm học nghề may, tôi về làm cho một nhà may thời trang trong thị trấn. Khi công việc ổn định, bố mẹ tìm mối để tôi lấy chồng tránh “quả bom nổ chậm” như người ta vẫn nói.

Sau khi tôi sinh hai con gái, tình cảm nhà chồng đối với tôi không còn như trước. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chồng tôi là con trưởng nhưng lại chưa hoàn thành nghĩa vụ sinh con trai nối dõi. Sau khi sinh con gái thứ hai, tôi bị u xơ phải cắt bỏ buồng trứng. Mọi hi vọng có cháu nối dõi của bố mẹ chồng tắt ngấm, họ đổ lỗi hết cho tôi. Vợ chồng tôi bị cuốn vào nỗi khao khát có cháu nối dõi của bố mẹ. Chồng tôi cũng bị ảnh hưởng. Anh bắt đầu nghe theo bố mẹ tìm người “sinh hộ” con trai. Đó là lý do để chồng tôi công khai chuyện cặp bồ, ngoại tình bên ngoài.

Hôn nhân của tôi rạn nứt bởi nguyên nhân này. Tôi không chỉ bị bố mẹ chồng bạo hành tinh thần mà còn bị chồng bạo hành thể xác. Không chịu nổi cuộc sống hôn nhân bất hạnh, tôi có ý định ly hôn. Trở về nhà bố mẹ, tôi nói ra chuyện ấy và xin bố mẹ cho tôi trở về nhà sống sau khi ly hôn. Bố mẹ tất nhiên là đồng ý nhưng các anh trai tôi lại phản đối quyết liệt. Họ cho rằng nhà bố mẹ bây giờ không còn là nơi mà tôi có thể trở về sống như trước đây. Bởi bố mẹ đã chia tài sản, phần đất hiện tại được chia đôi cho anh trai đứng tên sở hữu. Đồng nghĩa với việc, người quyết định cho tôi về sống ở đây hay không là quyền của hai anh chứ không phải quyền của bố mẹ. Các anh tôi cũng bảo xưa nay, đất đai nhà cửa hương hỏa là thuộc về con trai, con gái một khi đã xuất giá thì ở nhà chồng, làm ma nhà chồng. Theo lý đó, tôi không còn được về nhà bố mẹ đẻ sống sau ly hôn.

Bố mẹ dù thương tôi nhưng không “thắng” nổi lý lẽ của hai con trai. Điều họ có thể làm là khuyên con trai hãy thương yêu, đùm bọc em gái lúc khó khăn, cơ nhỡ.

Khi ly hôn, tôi phải đối diện với vấn đề có chỗ ở ổn định mới được nuôi con, nếu không các con sẽ sống cùng chồng. Đây là lý do tôi trở về đòi quyền thừa kế tài sản ở nhà bố mẹ đẻ. Tôi muốn hai anh trai chia cho mình một phần nhỏ trong số đất rộng rãi của bố mẹ cho, nhưng họ không đồng ý. Tìm hiểu pháp luật, tôi được biết trong gia đình quyền được hưởng thừa kế tài sản phân biệt con trai hay con gái, tất cả đều có quyền như nhau. Trong trường hợp cần thiết, tôi có quyền kiện ra pháp luật để đòi quyền thừa kế tài sản mình được hưởng.

Tôi không muốn đẩy anh em ruột vào cuộc chiến giành tài sản thừa kế nên dùng tình cảm để thuyết phục các anh nhưng vẫn nan giải. Hiện nay, pháp luật đã bình đẳng quyền lợi và nghĩa vụ của con trai và con gái trong gia đình. Nhưng đến bao giờ mới xóa bỏ được tư tưởng coi trọng con trai như gia đình chồng tôi, và suy nghĩ chỉ có con trai mới có quyền được hưởng tài sản còn con gái thì không có quyền giống như gia đình? Và đâu là chốn về cho những phụ nữ sau khi ly hôn như tôi?

Theo Vương Ngọc Mùi/Báo phụ nữ thủ đô

>> xem thêm

Bình luận(0)