Cảnh báo: Sai lầm khi ăn lươn khiến bạn dễ bị ngộ độc

Google News

Lươn sống chui rúc trong bùn, cát nên rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng và chất độc từ môi trường. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có bữa ăn giàu dinh dưỡng từ lươn và an toàn cho sức khỏe.

Lươn thuộc 1 họ cá mang liền, sống ở môi trường nước ngọt vùng nhiệt đới. Đây là thực phẩm bổ dưỡng quen thuộc trong bữa ăn của nguời Việt.
Nguồn dinh dưỡng trong thịt lươn dồi dào. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu không được chế biến kỹ, lươn là hiểm họa gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe như: nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm.
Dinh dưỡng trong thịt lươn
Theo nghiên cứu, cứ trong 100 gram thịt lươn có 18,7g chất đạm; 0,9g chất béo; 150mg phospho; 39mg canxi; 1,6mg sắt; vitamin (A, D, B1, B2, B6). So với các loại thực phẩm như hến, tôm đồng, cua đồng,... thịt lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Bên cạnh đó, lươn cũng giàu vitamin A và DHA nên thường được dùng để chế biến món ăn cho các võ sĩ đấu vật Sumo, quyền Anh.
Đông y gọi lươn là thiện ngư (cá lành), thường dùng để khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt. Lươn được dùng để chế biến thành thực phẩm chức năng để chữa nhiều bệnh như: biếng ăn, suy kiệt, khí huyết suy nhược sau bệnh nặng, bổ gan, mật,...
Canh bao: Sai lam khi an luon khien ban de bi ngo doc
Nếu không được chế biến kỹ, lươn là hiểm họa gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe - Ảnh minh họa Internet
Những lưu ý khi ăn lươn
Lươn nhiễm ký sinh trùng
Lươn sống ở tầng đáy và thường chui rúc vào bùn, sình lầy, vùng nước đục,... nên rất dễ bị nhiễm độc bởi môi trường sống. Đồng thời, lươn ăn tạp nên thịt và hệ tiêu hóa của chúng có thể bị nhiễm ký sinh trùng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ lươn nuôi và lươn hoang ngoài đồng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum là 0,8 đến 29,6%. Tỉ lệ này cao hơn vào mùa khô. Khi đi vào cơ thể, ấu trùng này thường ký sinh ở da, hạch, mắt, thậm chí là ở não bộ. Đặc biệt, loài ấu trùng Gnathostoma spingerum sống rất dai, chịu đựng được nhiệt độ cao.
Do đó, để lươn trở thành món ăn bổ dưỡng, bạn phải hầm chín kỹ để diệt toàn ấu trùng này. Các món gỏi, lươn xào tái thường gây nguy hiểm đến hệ tiêu hóa và cơ thể.
Dễ nhiễm độc khi ăn lươn chết, ươn
Chúng ta thường nghĩ lươn chết hoặc ươn chỉ kém ngon một chút so với con còn sống. Tuy nhiên, những con lươn ươn và chết tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu, lươn dồi dào hàm lượng axit histidine. Axit histidine trong lươn tươi rất tốt cho sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, khi lươn chết, axit amin này sẽ biến đổi thành chất histamine, một chất độc gây ra dị ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Với những người cơ thể yếu, mới bệnh dậy hoặc trẻ em có sức đề kháng kém thì ăn lươn ươn, chết dễ bị ngộ độc.
Do đó, để an toàn, bạn nên chọn những con lươn còn tươi sống và làm sạch kỹ để loại bỏ hết chất bẩn trong ruột của chúng. Đồng thời, đừng quên nấu lươn chín kỹ để mang đến bữa ăn giàu dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe cả nhà.
Theo Minh Châu/ Phụ nữ Sức khỏe

>> xem thêm

Bình luận(0)