Nó thống trị công viên quốc gia Ranthambore, Ấn Độ có diện tích hơn 900km2, trở thành một biểu tượng được du khách yêu mến bởi những chiến tích lẫy lừng đến khó tin đến nỗi được mệnh danh là “nữ hoàng hổ”.
Không chỉ sống lâu hơn đồng loại (tuổi thọ trung bình của loài hổ là 15 tuổi), con hổ Machli còn xuất sắc giết chết một con cá sấu có chiều dài gấp đôi nó, một mình chống lại những con hổ đực, nuôi con trong tình trạng mất hết răng nanh và mất thị lực ở 1 bên mắt.
|
Nằm trên phiến đá, nó tạo dáng như một nữ hoàng sang chảnh thực thụ cho du khách chụp ảnh. |
Thế nhưng, cũng hiếm có một con hổ nào lại thân thiện với ống kính như Machli. Nằm trên phiến đá, nó tạo dáng như một nữ hoàng sang chảnh thực thụ cho du khách chụp ảnh. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh của Machli phủ sóng khắp mọi nơi, trên vô số các quyển tạp chí, sách báo, blog du lịch… trở thành "mẫu hổ" đắt giá nhất hành tinh.
Kalli Doubleday, nhà nghiên cứu động vật ăn thịt tại Đại học Texas, Austin (Mỹ) từ nhỏ đã dành cho loài mèo lớn niềm yêu thích nhất định. Lớn lên, cô biết đến Machli và bắt đầu nghiên cứu về nó. Nghiên cứu của Doubleday đăng trên tạp chí Geoforum tháng 2/2017 đã tiết lộ những điều đặc biệt giúp Machli trở nên nổi trội hơn so với đồng loại của mình.
|
Vẻ đẹp dũng mãnh của "nữ hoàng hổ" Machli. |
Machli là con của một con hổ nổi tiếng cùng tên. Ở tuổi trưởng thành, nó nhiều lần thách đấu với hổ mẹ. Sau khi giành chiến thắng, Machli chính thức trở thành nữ hoàng ở hồ Ranthambore, lãnh thổ chính của hổ của toàn bộ công viên Ranthambore.
Machli từng khiến du khách mắt tròn mắt dẹt khi hạ gục một con cá sấu trưởng thành dài hơn 4 mét trong trận giao chiến khốc liệt. Sau này khi lớn tuổi, Machli phải nuôi nấng đàn con trong tình trạng hàm rụng hết răng nanh và 1 bên mắt bị mất thị lực hoàn toàn. Song, “nữ hoàng hổ” chưa bao giờ thất bại trong việc bảo vệ con trước những con hổ đực lớn xác. Đối với loài hổ, hổ đực thường xuyên giết hại hổ con để có thể thuyết phục con cái giao phối. Dù thất thế hơn, Machli vẫn không khuất phục trước những kẻ cơ hội ấy.
|
Hổ Machli và đàn con. |
Thế nhưng, việc mất răng nanh của Machli lại khiến các nhà bảo tồn vô cùng lo lắng bởi nó có thể bị chết đói nếu không thể đi săn. Đông đảo những người yêu mến Machli sau đó lên tiếng yêu cầu cơ quan lâm nghiệp Rajasthan phải làm gì đó để giúp đỡ nó. Khi đó, nhiều ý kiến trái chiều xảy ra khi nhiều người cho rằng nên nhốt Machli vào sở thú để tiện việc chăm sóc trong khi không ít ý kiến phản bác rằng điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của nữ hoàng, đó là chưa kể môi trường nuôi nhốt có thể làm con vật trở nên suy yếu hơn.
Cuối cùng, các nhà chức trách quyết định vẫn giữ Machli ở lại công viên Rajasthan và cung cấp thức ăn cho nó. Hằng ngày, họ sẽ dắt một con vật chẳng hạn như dê đến cột vào cây cho Machli. Dù không còn răng nanh nhưng “nữ hoàng hổ” vẫn thừa sức giết chết con mồi nhờ lực cắn của bộ hàm cực khỏe.
|
Lễ tang của Machli được tổ chức theo truyền thống đạo Hindu. |
Vào một ngày nọ, Machli nằm xuống ở một bãi đất trống trong công viên và từ đó nó không bao giờ tỉnh lại nữa. Sau khi chết, con hổ được chôn cất theo truyền thống đạo Hindu, cơ thể được bọc trong tấm vải trắng và phủ kín bằng vòng hoa. Tất cả nhân sự của công viên đều có mặt trong buổi lễ hỏa táng Machli, đây được xem là khoảnh khắc đặc biệt nhất lịch sử bảo tồn động vật trên khắp thế giới. Các loài động vật đang bị đe dọa như báo và hổ được hỏa táng ở Ấn Độ để da của chúng không bị săn trộm và đem bán trên thị trường chợ đen.