Theo chia sẻ của người phụ nữ, khoảnh khắc đặc biệt này được ghi lại vào giờ nghỉ trưa của cô. Khi đó, cô vừa nhận được lon nước ngọt từ người bán hàng và mới uống được một chút. Tuy nhiên, ngay sau đó, có 2 chú ong đã lập tức tới "lấy trộm" và thưởng thức đồ uống bên trong.
Điều đáng nói khi đó nắp của chai nước ngọt đã bị đóng lại nhưng 2 chú ong đã cùng nhau mở nó một cách rất dễ dàng. Kỹ năng thuần thục của 2 con ong đã khiến cộng đồng mạng vô cùng bối rối. Một số người còn tự hỏi, những chú ong với bộ não bé nhỏ như thế làm sao có thể thông minh như vậy.
|
2 chú ong cùng nhau mở nắp chai để "uống trộm" nước ngọt của người phụ nữ. (Ảnh: Dailymail) |
Như chúng ta đã biết, ong là một loài thụ phấn có nhiều đóng góp vào chuỗi thức ăn của các sinh vật trên Trái đất, bao gồm cả loài người. Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao. Chúng sống thành đàn, mỗi đàn có ong chúa, ong thợ, ong non… và chúng đều phân công công việc rõ ràng.
Bộ não của ong có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng một hạt gạo và bằng khoảng 0,0002% não bộ của con người. Dù ong chỉ có không tới 1 triệu tế bào thần kinh nhưng mỗi một neuron đó có thể tạo ra hơn 100.000 kết nối tới các neuron khác trong não bộ. Điều này đã lý giải lý do vì sao mà 2 chú ong kia biết cách vặn nắp để mở.
Loài ong thông minh hơn ta tưởng
Trước đây, vào năm 1962, nhà khoa học người Đức – Karl von Frisch đã từng nhận định rằng bộ não của loài ong quá bé để chúng có thể suy nghĩ. Sau khi dành 10 năm nghiên cứu về loài ong, Karl von Frisch đã thấy rằng nhận định năm nào của mình hoàn toàn là sai lầm. Loài ong không chỉ có thị giác và khứu giác hoàn hảo, chúng còn có thể tính giờ theo biểu kiến của mặt trời. Ngoài ra, chúng còn có thể giao tiếp với nhau bằng các điệu nhảy. Cuối cùng, công trình nghiên cứu về nhận thức của loài ong đã đem tới cho ông một giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 1973.
|
Những con ong có thể kể cho nhau về một khóm hoa cực ngon cách tổ 5km về hướng Bắc chỉ bằng những chuyển động cơ thể. (Ảnh: Dailymail) |
Năm 2016, các nhà khoa học thuộc đại học London, Queen Mary đã quan sát cách những con ong thợ dạy những con ong khác trong đàn lấy mật hoa. Qua nghiên cứu này, các chuyên gia thấy rằng ong cũng giống như con người, chúng có thể học cách thực hiện các hoạt động mới bằng cách quan sát những con khác. Bằng cách này, những kiến thức đã được truyền từ ong này sang ong khác, đời này qua đời khác. Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí National Geographic.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 đã đăng tải trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã huấn luyện những con ong lăn 1 quả bóng vào lỗ. Nếu làm thành công chúng sẽ nhận được phần thưởng là nước đường. Để hoàn thành nhiệm vụ, những con ong này đã sao chép chuyển động của nhau và học hỏi từ những sai lầm của đồng đội. Chỉ một thời gian sau, chúng đã có thể dễ dàng đưa bóng qua các mê cung đến nơi nhận phần thưởng của mình.
|
Sau khi được huấn luyện, những con ong có thể dễ dàng đưa bóng vào lỗ. (Ảnh: Dailymail) |
Các nhà khoa học đã kết luận, việc sử dụng thành thạo công cụ như vậy vốn từng được nhận định rằng chỉ có con người mới làm được, nhưng sau đó, các loài linh trưởng, động vật biển có vú và nhiều loài chim cũng chứng minh chúng có thể làm tương tự. Qua nghiên cứu này, họ đã nhận ra rằng nhiều loài có khả năng hình dung ra cách sử dụng một công cụ cụ thể để đạt được mục đích của chúng.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu thực hiện năm 2019 và được đăng trên tạp chí Science Advance lại cho thấy ong mật có thể làm toán. Các nhà khoa học đã huấn luyện những con ong làm phép tính cộng và trừ 1. Cụ thể, họ đã hướng dẫn chúng khi nhìn thấy 2 dấu chấm màu xanh lam thì phải cộng thêm 1 còn khi thấy 3 dấu chấm màu vàng thì phải trừ 1. Sau đó, những con ong sẽ phải bay tới những phòng có in kết quả trên cửa. Nếu bay tới đúng nơi, chúng sẽ được nhận phần thưởng.
|
Thậm chí, sau khi được dạy, chúng còn có thể làm phép tính cộng và trừ. (Ảnh: Dailymail) |
Trên thực tế đây là quá trình tư duy khá phức tạp. Để đáp ứng được yêu cầu của nghiên cứu này, những con ong cần hiểu được giá trị của một số. Sau đó chúng cần thao tác với các số mà chúng có thể nhớ được. Khó khăn hơn, những con ong còn phải thực hiện các phép tính cộng trừ trong tình trạng không có hiển thị trực quan. Thế nhưng, chúng vẫn có thể xuất sắc vượt qua "cửa ải" khó khăn này và nhận về phần thưởng xứng đáng.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí PLOS One vào năm 2020, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra một số nhóm ong bản địa rất thông minh trong cách bảo vệ tổ của mình. Chúng đã đi nhặt nhạnh phân của nhiều loài chim khác nhau và đắp bên ngoài tổ để dọa và xua đuổi những con ong bắp cày sát thủ.
Qua những nghiên cứu kể trên, có thể thấy, việc loài ong dùng neuron thần kinh tạo ra hơn 100.000 kết nối tới các neuron khác trong não bộ để thực hiện những việc phức tạp như vậy thì chúng hoàn toàn có thể hợp sức cùng nhau mở nắp chai nước ngọt.