Phá thế độc quyền thị trường truyền dẫn phát sóng
Năm 2015, khi thực hiện đề án số hóa truyền hình, đã xuất hiện tình trạng độc quyền trong việc truyền dẫn phát sóng. Thời điểm đó, khi VTV, VTC và AVG chưa sẵn sàng tham gia thị trường thì Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) gần như độc quyền cung cấp dịch vụ ở khu vực đồng bằng Sông Hồng, còn Công ty TNHH Truyền dẫn kỹ thuật số miền Nam (SDTV) độc quyền ở Nam Bộ.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT khẳng định đưa dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
|
Bộ TT&TT khẳng định đưa dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
|
Theo Đề án số hóa truyền hình đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ có 8 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất. Trong đó, có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Nhà nước cũng cho phép hình thành tối đa 5 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất ở 5 khu vực. Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường phải được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.
Lúc đó, một số lãnh đạo đài truyền hình địa phương lo ngại sẽ hình thành thế độc quyền. Về mặt lý thuyết, các đài truyền hình địa phương khi thực hiện số hóa truyền hình được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn để phát sóng quảng bá kênh truyền hình thiết yếu. Song ở khu vực đồng bằng Sông Hồng hiện nay, các đài truyền hình không có sự lựa chọn nào khác ngoài RTB.
Nhưng với chính sách mở cửa, Bộ TT&TT đã hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng cạnh tranh.
Thị trường đảo chiều xuất hiện nghịch lý mới
Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử cho hay, trước đây các đài truyền hình địa phương có chức năng truyền dẫn phát sóng, nhưng chỉ ở trong địa phương đó. Vì vậy, khi tách riêng truyền dẫn phát sóng các đài sẽ đi thuê đối tác để truyền dẫn phát sóng qua vệ tinh hoặc qua dịch vụ truyền hình số mặt đất.
Tuy nhiên, nhiều đài địa phương muốn phát ra ngoài tỉnh để quảng bá, nên sẽ thuê phát của các doanh nghiệp có hạ tầng và cả những đại lý kinh doanh dịch vụ này. Trên cơ sở nhu cầu của mình mỗi địa phương sẽ lựa chọn đối tác cho phù hợp.
Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường truyền dẫn phát sóng dịch vụ số mặt đất (DTT) tại miền Bắc có công ty DTV và miền Nam có SDTV, riêng AVG cung cấp dịch vụ trên toàn quốc. Tuy VTV được cung cấp dịch vụ này khắp các tỉnh thành nhưng lại chưa thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng nên không thể tham gia đấu thầu của đài truyền hình đại phương.
Đối với dịch vụ DTH - số vệ tinh hiện có AVG, VTC và TMS cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc.
Theo thống kê sơ bộ, thị trường truyền dẫn vệ tinh, VTC hiện chiếm khoảng 45%, TMS chiếm khoảng 35%, còn lại là AVG. Trong đó, một số đại lý như Alpha đang ký hợp đồng bán kênh truyền dẫn cho VTC, TMS và AVG.
Đối với thị trường số mặt đất DTT, SDTV chiếm khoảng 85% thị trường miền Nam. Miếng bánh còn lại thuộc về VTC và VTV (thông qua đại lý trung gian là công ty Alpha), AVG chỉ chiếm một ít thị phần.
Tại miền Bắc, thị phần truyền dẫn dịch vụ số mặt đất chủ yếu nằm trong tay AVG và DTV. Bên cạnh đó, một số đài truyền hình ký hợp đồng qua các công ty trung gian.
Ông Đàm Mỹ Nghiệp, Thành viên Hội đồng Thành viên của Tổn công ty VTC cho rằng, để thực hiện việc truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc các doanh nghiệp có hạ tầng đã phải đầu tư rất lớn. Nếu các doanh nghiệp không có thực lực thì không thể tham gia. VTC đang cung cấp số lượng kênh truyền dẫn vệ tinh khá lớn cho các đài truyền hình địa phương, để họ phát quảng bá trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn có đài địa phương mua kênh truyền dẫn của VTC qua đại lý trung gian.
“Nếu các đài truyền hình mua trực tiếp kênh truyền dẫn từ VTC sẽ được hỗ trợ nhanh và giá thuê cũng tốt hơn. Song đây là thị trường cạnh tranh và các đài có thể chọn đối tác cung cấp dịch vụ cho mình”, ông Đàm Mỹ Nghiệp nói.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện AVG cho hay, hiện AVG có thể cung cấp trên phạm vi toàn quốc dịch vụ truyền dẫn vệ tinh và dịch vụ số mặt đất. Tuy nhiên, có thực tế là một số đài truyền hình địa phương ít khi chọn cách mua kênh của các doanh nghiệp truyền dẫn có hạ tầng, mà chọn mua qua đại lý trung gian.
“Việc mua qua các công ty trung gian sẽ ảnh hưởng đến khâu vận hành, khắc phục sự cố sẽ bị chậm vì không trực tiếp nên phải qua bộ phận trung gian kết nối. Bên cạnh đó, do không có tổng đài chăm sóc khách hàng nên có thể gặp rủi ro về bảo hành dịch vụ hay thực hiện hợp đồng. Cụ thể, đài thanh toán cho công ty trung gian, trong khi đơn vị trung gian không thanh toán hoặc có vấn đề về tài chính, pháp lý nào đó không thanh toán được cho đơn vị cung cấp hạ tầng. Như vậy có thể bị hạ sóng trong khi vẫn chi trả tiền hoặc bị cắt trước thời hạn”, lãnh đạo một công ty có hạ tầng truyền dẫn phát sóng giấu tên chia sẻ.
Cũng vị lãnh đạo trên phân tích rằng, nếu các đài truyền hình địa phương mua qua đại lý trung gian có thể bị đội giá lên từ 20%. Có nhiều lý do để các đài địa phương sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ký hợp đồng với đại lý, chẳng hạn như cơ chế tài chính thông thoáng hơn. Thế nhưng, cho dù là lý do gì, việc đảm bảo chất lượng truyền dẫn và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra luôn là mục tiêu cao nhất mà các nhà đài phải đặt lên bàn cân cho quyết định của mình.