Theo Live Science, bộ hài cốt bị đứt đôi là một con Tanystropheus hydroides, loài bò sát biển sơ khai sống vào giữa kỷ Tam Điệp, là giai đoạn mà những con khủng long đầu tiên mới dần thành hình.
Quái thú trông khá giống các con "thằn lằn cổ rắn" của thời kỳ sau - tức những con "khủng long biển" chân hình mái chèo và cổ rất dài - nhưng có vị trí cao hơn trên chuỗi thức ăn, trong một thế giới mà các loài bò sát chưa phát triển quá to lớn.
Một sinh vật hung dữ bí ẩn đã cắn đứt đôi Tanystropheus hydroides khổng lồ - Ảnh đồ họa từ Viện Cổ sinh vật học Miquel Crusafont Català
Tanystropheus hydroides dài tới 6 m, cực kỳ hung dữ và từng được coi là sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn ở các đầm phá nhiệt đới. Nó được khai quật trong những phiến đá có niên đại khoảng 237-247 triệu năm ở địa điểm hóa thạch Monte San Giorgio, nằm ở biên giới Thụy Sĩ và Ý.
Cuộc nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà cổ sinh vật học Stephan Spiekman và Eudald Mujal từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên bang Stuttgart (Đức) đã phân tích hóa thạch đáng sợ và chỉ ra vết cắn khủng khiếp khiến cổ của quái vật đứt đôi, xương vỡ nát.
Các dấu vết trên hóa thạch cũng cho thấy chỉ một vết cắn duy nhất đã xé đứt đôi con thủy quái.
Theo bài công bố trên tạp chíCurrent Biology,vết cắn cho thấy đó là một kẻ tấn công từ trên cao, lao thẳng xuống con vật và giết chết nó.
Nhưng thứ gì có thể giết chết một con thủy quái khổng lồ như vậy, vẫn là một bí ẩn. Có ba giả thuyết được đưa ra bao gồm Cymbospondylus buchseri - một ngư long sơ khai dài 5,5m; Nothosaurus giganteus - một loài bò sát khổng lồ cao tới 7 m; hoặc Helveticosaurus zollingeri - thứ được mô tả là "một loài săn mồi rất bí ẩn dài 3,6 m".
Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn không loại trừ giả thuyết về một "vua quái vật" ẩn mình, chưa từng được biết đến.