Bước tiến tiền điện tử ở Trung Quốc
Chính quyền thành phố Thành Đô (Trung Quốc) vừa thông báo sẽ chi khoảng 6,2 triệu USD trong đợt thử nghiệm tiền điện tử tiếp theo của ngân hàng trung ương.
Tương tự như những lần phát hành trước, người dân Thành Đô sẽ tham gia xổ số vào ngày 24 và 25/2. Những người thắng xổ số sẽ được nhận các phiếu thưởng trị giá 27 – 37 USD và có thời hạn sử dụng từ ngày 3/3 đến ngày 19/3.
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm phát hành tiền điện tử từ năm 2020 thông qua hình thức xổ số ở một số thành phố lớn như Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (1,5 triệu USD - tháng 10/2020) và Tô Châu, tỉnh Giang Tô (3 triệu USD - tháng 12/2020).
Tháng 2/2021, chính quyền Bắc Kinh cũng thành công phát khoảng 1,5 triệu USD cho 50 nghìn người.
Những người thắng xổ số sẽ tải ứng dụng đồng nhân dân tệ điện tử về máy để nhận tiền và có thể sử dụng tiền này để mua sắm ở hàng nghìn siêu thị, nhà thuốc và các nền tảng thương mại điện tử như JD.com.
Đồng nhân dân tệ điện tử
Trung Quốc rục rịch bắt đầu hướng đến tương lai không tiền mặt từ khi thanh toán qua ứng dụng di động trở thành phương thức trả tiền được ưa chuộng vài năm gần đây. Ví điện tử Alipay của Alibaba và Wechat Pay của Tencent là hai ứng dụng thanh toán chủ yếu thay thế cho tiền mặt.
Đồng nhân dân tệ điện tử là loại tiền tệ điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC), được kiểm soát và phát hành bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, là trọng tâm của một kế hoạch được giữ khá bí mật nhiều năm nay.
Đồng nhân dân tệ điện tử ra đời không thay thế mà sẽ tồn tại song song các loại ví điện tử liên kết ngân hàng này. Hai ngân hàng trực tuyến MYBank (Ant Group) và WeBank (Tencent) cũng bày tỏ sự ủng hộ và hợp tác với kế hoạch phát hành đồng nhân dân tệ điện tử của chính phủ.
Tiền điện tử của các quốc gia
Một nhóm nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cùng với Ngân hàng BIS cho biết 80% trong số họ đã bắt đầu lên ý tưởng và nghiên cứu tiềm năng của các loại CBDC. Ngân hàng Thụy Điển là ngân hàng trung ương đầu tiên thử nghiệm đồng “e-krona”
CBDC không giống như các loại tiền ảo khác như Bitcoin hay đồng Libra của Facebook – các loại tài sản phi tập trung và do tư nhân phát triển, mà sẽ do ngân hàng trung ương các quốc gia phát hành và kiểm soát.
“Không có loại tiền điện tử (CBDC) nào phù hợp cho tất cả các quốc gia vì ưu tiên và hoàn cảnh mỗi nước khác nhau”, theo ông Benoit Coeure, cựu quan chức Ngân hàng trung ương châu Âu, người ủng hộ nỗ lực phát hành CBDC.
Báo cáo năm 2020 của BIS cũng đề ra các yêu cầu cốt lõi cho CBDC bao gồm: (1) tồn tại song song với tiền mặt và các loại tiền tệ khác trong hệ thống thanh toán, (2) không gây ảnh hưởng đến ổn định tiền tệ và tài chính quốc gia và (3) thúc đẩy cải tiến và hiệu quả thanh toán.