Em Nguyễn Đình Tiến, lớp K65 Quốc tế Vật lý học (khoá QH 2020), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa giành học bổng Tiến sĩ toàn phần cho 5 năm học tại Trường Đại học Bách Khoa Paris và Trường Đại học Sư phạm Pari (Pháp).
Điều thú vị, một trong những lý do khiến chàng trai miền Nam này quyết định ra Hà Nội học là vì “muốn biết mùa đông Hà Nội lạnh như thế nào”. Không ngờ, sự tò mò này đã góp phần vào hành trình có được học bổng tiến sĩ tại hai trường đại học danh giá ở Pháp của Tiến.
|
Em Nguyễn Đình Tiến, lớp K65 Quốc tế Vật lý học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Ra Hà Nội vì muốn biết mùa đông… lạnh thế nào
Nguyễn Đình Tiến sinh năm 1999 tại TPHCM. Năm 2020, sau khi hoàn thành 2 năm học tại Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, ngành kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, em đã đưa ra quyết định “táo bạo”: thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành Quốc tế Vật lý.
Nguyễn Đình Tiến chia sẻ, nhiều người thân, bạn bè khi nghe tin đó về em đã rất bất ngờ, nhưng với em, quyết định này là kết quả của một quá trình suy nghĩ rất nhiều. Em đã “xác định được rõ hơn tính cách, năng lực và các mối quan tâm của bản thân”.
“Lý do chính em chọn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên vì đây là ngôi trường về khoa học cơ bản được đánh giá là hàng đầu tại Việt Nam. Lý do thứ hai, có thể hơi buồn cười một chút, là em muốn biết mùa đông Hà Nội lạnh như thế nào!”, Tiến chia sẻ.
|
Nam sinh có niềm đam mê với lượng tử. |
Tháng 10 năm 2020, chàng trai Sài Gòn khăn gói ra Hà Nội nhập học, bắt đầu quá trình thử thách bản thân khi sống độc lập một mình ở môi trường hoàn toàn mới mẻ.
Bước vào Trường ở độ tuổi khá “chững chạc” so với các bạn cùng khóa, lại có mục tiêu đã được xác định cụ thể, rõ ràng, Tiến luôn chủ động học và đọc, tìm hiểu kiến thức.
“Thời điểm đó, em quan tâm chủ yếu đến các vấn đề cơ bản của Vật lý lý thuyết hiện đại. Các vấn đề này - theo em - có thể so sánh với tầng cao nhất của một toà nhà. Muốn xây một tòa nhà vững chãi buộc phải có nền tảng tốt - là kiến thức”, Tiến nói.
Được các thầy cô tận tình hỗ trợ, giúp đỡ, Tiến như được tiếp thêm động lực. Đến năm thứ ba, Tiến chuyển sự quan tâm tới lĩnh vực tính toán lượng tử. Em xin gia nhập nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Quốc Hưng (Trung tâm Nano và Năng lượng của trường).
Với sự tích cực tìm hiểu kiến thức mới cộng với kiến thức nền tảng tích luỹ từ trước, Tiến đã nhanh chóng bắt nhịp với nhóm nghiên cứu và có công bố quốc tế chung sau một năm gia nhập nhóm. Các kết quả em có được sau đó đang được hoàn thiện và hi vọng sẽ kịp công bố trong nửa cuối năm nay.
Hành trình giành học bổng tiến sĩ đại học Pháp danh giá
Tháng 2/2024, Tiến nhận được thư thông báo trúng học bổng bậc Tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa Paris (Ecole polytechnique), ngành Công nghệ lượng tử chỉ sau 2 tháng apply học bổng. Đây là học bổng toàn phần cho 5 năm học. Cùng thời điểm, em nhận được thông báo trúng học bổng toàn phần cho 5 năm học thẳng lên Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Pari (Pháp).
|
Sinh viên Nguyễn Đình Tiến tại Đại học Quốc gia Singapore. |
Hỏi về kinh nghiệm để đạt học bổng toàn phần từ các trường đại học quốc tế danh giá, Nguyễn Đình Tiến cho biết, ngoài việc có công bố sớm thì việc được nhận thực tập tại Trung tâm Công nghệ lượng tử tại Đại học Quốc gia Singapore (tháng 7-10/2023 và từ tháng 2/2024 đến nay) cũng giúp cho hồ sơ của em trở nên thuyết phục hơn rất nhiều.
Trong lần đầu đến Singapore, Tiến may mắn có cơ hội học một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới: sửa lỗi lượng tử (hướng này hoàn toàn khác so với hướng của nhóm ở Việt Nam là điều khiển qubit siêu dẫn). Nắm bắt cơ hội, em đã tìm kiếm các vị trí nghiên cứu chữa lỗi lượng tử trên hệ qubit siêu dẫn để kết nối với kinh nghiệm sẵn có và được tiếp tục nhận vào một nhóm khác ở cùng trung tâm.
Tiến cho rằng việc có được một câu chuyện liền mạch cũng như kinh nghiệm làm việc ở cả mảng vật lý lý thuyết và thực nghiệm đã giúp cho thư động lực của em có phần nổi bật so với các ứng viên khác.
“Hơn nữa, nếu đảm bảo có đủ ba yếu tố gồm: GPA cao, có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu khoa học, và tiếng Anh tốt thì việc xin học bổng du học không quá khó khăn, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản”, Tiến khẳng định.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tiến đã bảo vệ thành công đề tài khoá luận tốt nghiệp với nội dung: “Điều khiển tối ưu mạch siêu dẫn lượng tử ba mức”, đạt điểm 10. Đề tài được hội đồng khoa học đánh giá cao do đây là vấn đề cập nhật của thế giới.
Chia sẻ về cậu học trò của mình, TS Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng cho biết, Tiến có ưu điểm là sử dụng tiếng Anh rất tốt. Cùng với niềm đam mê lượng tử, nên Tiến rất có năng lực đọc báo, hấp thu kiến thức. "Đề tài khóa luận chỉ là một góc rất nhỏ so với những kết quả nghiên cứu mà em đạt được", TS Hưng cho hay.
Nói về dự định sắp tới, Tiến cho biết, em sẽ tập trung hoàn toàn vào việc hoàn thành bậc Tiến sĩ tại Pháp. Sau đó, có thể em sẽ đến Mỹ theo đuổi bậc sau tiến sĩ, tiếp tục khám phá khoa học, và trở về Việt Nam làm việc tại một thời điểm thích hợp khi em cảm thấy đã tích luỹ đủ kinh nghiệm và năng lực.
Sau 4 năm khám phá Hà Nội, Tiến chia sẻ, đã nảy sinh tình yêu với thành phố 4 mùa đều có những vẻ đẹp riêng này. Đặc biệt, mùa đông cùng cái lạnh của Hà Nội rất thú vị. "Nhất là nếu được thảnh thơi ngắm phố xá với một ly cà phê", Tiến nói.
Nguyễn Đình Tiến là Trưởng Ban Chuyên môn CLB Vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Một số thành tích của Tiến có thể kể là: Giải Nhất SV Nghiên cứu Khoa học cấp Khoa (2023); Giải Ba SV Nghiên cứu Khoa học cấp Trường (2023); là Trợ lý nghiên cứu tại TT Công nghệ Lượng tử (ĐH Quốc gia Singapore) (07/2023 – nay); Huy chương Bạc kỳ thi UPC Physics (2021); Học bổng Nguyễn Hoàng Phương cho tân SV xuất sắc (2020); Học bổng Pony Chung (Hàn Quốc) (2022); Học bổng Ươm tạo nhà khoa học trẻ KBSV (2024).
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ - Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về cụm công trình được trao giải Tạ Quang Bửu năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.