Tiểu hành tinh 3200 Phaethon, có kích thước khoảng 3,4 km và quỹ đạo của nó thường xuyên đi qua hệ mặt trời. Phaethon gần nhất từng đến Trái Đất là vào năm 2017 khi bay qua hành tinh ở khoảng cách 10,3 triệu km, gấp 27 lần khoảng cách Trái Đất tới mặt trăng.
Vệt bụi của tiểu hành tinh là nguyên nhân gây ra mưa sao băng Geminids, đạt cực đại vào đầu tháng 12 hàng năm, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Đây là một trong hai trận mưa sao băng duy nhất được biết đến là do tiểu hành tinh gây ra chứ không phải sao chổi.
Trong nghiên cứu mới của Hiệp hội thiên văn Mỹ, Phaethon bất ngờ có tốc độ và quỹ đạo thay đổi bất thường. Tiểu hành tinh mất khoảng 3,6 giờ để thực hiện một vòng quay đầy đủ. Nhưng mỗi năm, vòng quay này đang ngắn đi khoảng 4 mili giây. Điều này nghe có vẻ không nhiều nhưng nếu trong hàng trăm năm, hàng nghìn năm thì sự biến thiên này làm thay đổi quỹ đạo tiểu hành tinh.
Các nhà thiên văn lần đầu tiên phát hiện ra Phaethon vào năm 1983, thường xuyên theo dõi quỹ đạo của nó bằng cách sử dụng đường cong ánh sáng, quan sát độ sáng của vật thể theo thời gian nó quay như thế nào, quan sát qua kính viễn vọng.
Sử dụng dữ liệu thu thập hàng thập kỷ, nhóm nghiên cứu mô phỏng kích thước, hình dạng và các đặc tính quay của Phaethon.
Phaethon gần Trái Đất có hình dạng giống như một con quay, hơi tròn nhưng nó có nhiều đặc điểm khác thường. Đầu tiên phải kể đến một cái đuôi giống sao chổi tạo thành từ những mảnh vụn bị vỡ từ chính bề mặt đá của nó. Sở dĩ có chiếc đuôi bất thường là do bề mặt của tiểu hành tinh trở nên siêu nóng khi di chuyển đến gần mặt trời.
Bên cạnh đó, ánh sáng mặt trời phản chiếu qua Phaethon có màu xanh lam giống với hầu hết các sao chổi. Cũng vì đặc điểm thú vị này mà các nhà thiên văn đặt biệt danh cho nó là 'sao chổi đá'.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lý do vì sao Phaethon thay đổi tốc độ, tăng tốc nhanh chóng, khối lượng đang giảm dần.
Trước đó, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA tuyên bố đã thành công trong việc làm chệch hướng tiểu hành tinh bằng việc sử dụng tàu vũ trụ DART.
DART có thể hữu ích trong việc thay đổi đường đi của một tiểu hành tinh trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trước khi rơi xuống Trái Đất gây ra thảm họa. NASA cho biết một cú hích nhỏ sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về vị trí của tiểu hành tinh trong tương lai, sau đó tiểu hành tinh và Trái Đất sẽ không xảy ra va chạm.
Lần thử nghiệm đầu tiên của DART hướng tới tiểu hành tinh Dimorphos đã thành công. Đây là thử nghiệm phòng thủ hành tinh đầu tiên trên thế giới, mở ra bước ngoặt mới trong việc bảo vệ Trái Đất.