Nhiếp ảnh gia Leslie Smallwood ghi lại hình ảnh quả cầu này vào khoảng 5h ngày 29/3. "Khi phóng to, tôi nhận thấy có vẻ như có thứ gì quay bên trong nó", Smallwood mô tả.
Smallwood cho biết quả cầu di chuyển trên bầu trời theo hướng từ đông bắc sang tây nam trong vài phút.
Theo Jonathan McDowel, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard Smithsonian (Massachusetts, Mỹ), quả cầu này có thể được tạo ra sau một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.
Tên lửa mà McDowel nhắc tới là Trường Chinh 6A, được phóng vào sáng 29/4 từ Sơn Tây (Trung Quốc), đưa hai vệ tinh vào quỹ đạo định sẵn.
Theo McDowell, phần nhiên liệu tên lửa còn sót lại sau khi được giải phóng vào không gian đã đóng băng trước khi tản ra và phản chiếu ánh sáng của Mặt trời, tạo ra quả cầu mà người dân ở Alaska quan sát thấy.
Về "chuyển động quay" của quả cầu như Smallwood mô tả, McDowell lý giải, trong quá trình giải phóng nhiên liệu, các tên lửa thường "lộn nhào" để duy trì quỹ đạo.
Vụ phóng Trường Chinh 6A đánh dấu lần phóng thành công tên lửa vũ trụ đầu tiên hoạt động bằng nhiên liệu hybrid của Trung Quốc. Nó sử dụng nhiên liệu lỏng (oxy/dầu hỏa) ở tầng đẩy lõi và nhiên liệu rắn ở các động cơ phụ.
Việc kết hợp hai loại nhiên liệu lỏng và rắn làm cho tên lửa mạnh và nhanh hơn, đồng thời ổn định và tiết kiệm chi phí hơn, nhờ đó đáp ứng nhu cầu phóng nhiều loại vệ tinh
Sự ra mắt Trường Chinh 6A đánh dấu một mốc quan trọng trong chương trình không gian vũ trụ của Trung Quốc, thúc đẩy khả năng phóng, phát triển công nghệ và tiềm năng khám phá vũ trụ thương mại.