Theo thông báo ngày 30/7 của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), lò phản ứng hạt nhân số 1 của nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn sẽ tạm dừng hoạt động để bảo trì.
Cũng theo thông báo, quyết định được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận giữa nhân viên kỹ thuật của Pháp và Trung Quốc.
CGN cho biết "đã xảy ra hư hỏng nhẹ với nhiên liệu" trong quá trình vận hành lò phản ứng đồng thời khẳng định sự cố tại lò phản ứng số 1 "hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát".
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân và nước này chiếm hơn 10% sản lượng điện hạt nhân của thế giới. Theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, tính đến tháng 3/2021, có 16 nhà máy hạt nhân đang hoạt động với 49 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc, với tổng công suất phát điện là 51.000 megawatt.
Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn do liên doanh giữa Tập đoàn Năng lượng Pháp Électricité de France (EDF) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) điều hành. CGN sở hữu 70% và EDF 30% trong liên doanh.
Tháng trước, CNN đưa tin đầu tiên về sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Theo đó, Framatome, công ty con của EDF, đơn vị hỗ trợ các hoạt động tại Đài Sơn, đã cảnh báo về “nguy cơ phóng xạ sắp xảy ra” tại nhà máy này.
Framatome cũng cáo buộc cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc nâng cao giới hạn cho phép đối với nồng độ phóng xạ được phát hiện bên ngoài nhà máy để tránh nhà máy phải đóng cửa, theo một công văn của công ty điện lực Pháp gửi Bộ Năng lượng Mỹ. Phía Trung Quốc nói rằng, “không có sự bất thường trong môi trường phóng xạ” và độ an toàn của nhà máy “được đảm bảo”.
Trong thông cáo phát ra ngày 16/6, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc thừa nhận có 5 thanh nhiên liệu bị hỏng gây tích tụ khí phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn nhưng nồng độ phóng xạ “vẫn ở mức cho phép”.
Cụ thể, bộ này cho biết nhà máy có 60.000 thanh nhiên liệu nhưng do ảnh hưởng của những yếu tố không thể kiểm soát được trong quá trình sản xuất, vận chuyển, xếp dỡ và những yếu tố khác, đã có 5 thanh nhiên liệu bị hỏng.
|
Công trình nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn khi còn đang xây dựng vào năm 2013. |
Giới chức Trung Quốc giải thích đây là "hiện tượng bình thường và không đáng lo ngại" bởi tỷ lệ các thanh bị hỏng chiếm "chưa đầy 0,01%".
Cũng theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, nồng độ phóng xạ cao đã được ghi nhận bên trong lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Tuy nhiên, nhà máy vẫn hoạt động bình thường và nồng độ phóng xạ trong lò phản ứng có tăng nhưng vẫn nằm trong “mức cho phép”
Bộ này nhấn mạnh thêm rằng “không có rò rỉ phóng xạ trong môi trường”.
Mới đây, CNN dẫn tuyên bố ngày 23/7 của EDF cho biết vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn chưa ở mức tình thế khẩn cấp, nhưng ở mức nghiêm trọng và ngày càng trầm trọng, do các thanh nhiên liệu bị hư hại.
“Nếu lò phản ứng hạt nhân này được đặt ở Pháp, EDF sẽ đóng cửa theo các thủ tục và cách thức vận hành điện hạt nhân ở Pháp”, người phát ngôn của EDF nhấn mạnh.