PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM, là một trong 11 cá nhân xuất sắc được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam.
|
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM chia sẻ tại chương trình Vinh Quang Việt Nam.
|
Nghiên cứu công nghệ chuyển đổi năng lượng xanh
Theo PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, công trình nghiên cứu của chị tiếp cận giải pháp công nghệ về chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Nó được triển khai trong bối cảnh Việt Nam và các nước trên thế giới đang đối mặt tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt, cũng như hiện tượng nóng lên toàn cầu do lượng khí nhà kính sinh ra trong quá trình sử dụng những nhiên liệu hóa thạch này.
“Những giải pháp, năng lượng mà tôi phát triển về nhiên liệu và năng lượng hydro xanh hướng tới độ bền cao, giá thành thấp, đóng góp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam nói riêng, các nước trên thế giới nói chung, để tiếp cận nguồn năng lượng này trong tương lai”, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân nói.
Quyết định về Việt Nam… dù biết sẽ vất vả
Chia sẻ lý do về Việt Nam, dù nhận được nhiều lời mời làm việc sau khi xong học hàm tiến sĩ ở nước ngoài, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân cho hay, ngay từ khi bước chân sang nước ngoài học tập, chị đã có suy nghĩ trở về. Từ việc tích lũy kiến thức, kỹ năng ở các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, chị mong muốn xây dựng, phát triển những hướng đào tạo và nghiên cứu cho các thế hệ Việt Nam, đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà. Sinh viên Việt Nam rất giỏi, tư duy tốt và rất chăm chỉ. Nếu được đào tạo, phát triển trong môi trường nghiên cứu tốt, các bạn sẽ thành công.
|
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC.
|
GS.TS Hồ Thị Thanh Vân nhận thấy nền khoa học Việt Nam cần được phát triển, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội, từ đó định vị được vị trí Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ của thế giới. Để làm được điều đó, rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học tâm huyết.
“Từ những suy nghĩ như vậy, tôi quyết định trở về Việt Nam làm việc, mặc dù thời điểm quay về còn nhiều khó khăn với nghiên cứu khoa học, đặc biệt các hướng nghiên cứu công nghệ cao”, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân tâm sự.
Và những cố gắng, nỗ lực của chị đã được đền đáp. Chị đã được Tạp chí Khoa học Singapore xếp hạng thứ 23/100 Nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020.
Năm 2022, chị và nhóm cộng sự nghiên cứu đã được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2020, lĩnh vực Môi trường cho hai công trình. Trong đó, công trình về công nghệ xử lý nước thải với chi phí thấp, thân thiện môi trường bằng hồ sinh học phủ hệ thực vật thủy sinh mới ứng dụng xử lý nước thải rất hiệu quả cho các khu công nghiệp tại TP.HCM. Đây là công trình chị rất tâm đắc khi thực hiện được.
Ngoài ra, một công trình nữa nghiên cứu về pin nhiên liệu, pin mặt trời. Đây là những dạng năng lượng tái tạo, nguồn thay thế hiện nay và trong tương lai cho các dạng năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và là nguyên nhân gây ra khí nhà kính CO2, biến đổi khí hậu.
Cũng trong năm này, chị được Hội đồng giám khảo UNESCO và Quỹ L’Oréal trao giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022.
Người vợ, người mẹ “xây tổ ấm”
Một ngày của PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân rất bận rộn. Sau khi hết giờ làm việc ban ngày ở trường và phòng thí nghiệm, chị thường họp hướng dẫn các nhóm nghiên cứu khoa học và công việc nghiên cứu vào buổi tối. Chị kể mình từng ngất xỉu, phải đi bệnh viện vì thức khuya làm việc. Sau đó, chị phải thay đổi cách làm việc, dậy sớm thay vì thức khuya.
Phụ nữ làm khoa học có những áp lực riêng so với nam giới, dù bây giờ bình đẳng, phụ nữ cũng đi làm và có vị trí xã hội không kém đàn ông. Tuy nhiên, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phụ nữ vẫn là người vợ, người mẹ trong gia đình, cần bàn tay săn sóc.
Trong khi đó, làm khoa học sẽ bị cuốn hút vào đam mê, guồng quay, không biết khi nào sẽ đạt thành công, vì đó là con đường dài. Đó có thể là một ngày, một tháng, một năm hoặc lâu hơn, thậm chí cả một đời làm khoa học.
|
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân và mẹ - người đã luôn ủng hộ, động viên, âm thầm góp sức trong những thành công của con gái. |
Chị luôn cố gắng hết mức có thể để dành thời gian cho mái ấm của mình. Mọi người thường trêu gia đình chị là “du lịch khoa học”. Mỗi khi công tác, nhất là vào cuối tuần, chị thường đưa chồng, con đi cùng, để các thành viên được bên nhau, cùng trải nghiệm.
“Điều may mắn nhất của tôi là có gia đình tuyệt vời, luôn hỗ trợ phía sau. Tôi sống cùng mẹ ruột. Bà luôn động viên, giúp đỡ việc gia đình để con gái yên tâm công tác. Đặc biệt, chồng học tiến sĩ cùng lĩnh vực với tôi, đang làm tập đoàn nước ngoài. Anh tâm lý, hiểu và tạo điều kiện hết sức để vợ theo đuổi đam mê của mình”, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân nói.
Theo nữ PGS.TS, khi đam mê và muốn thành công, người làm khoa học sẽ dành rất nhiều thời gian, vượt qua khó khăn, áp lực. Thời gian cho bản thân và gia đình không nhiều. “Phụ nữ buộc phải tìm cách cân bằng giữa đam mê dành cho khoa học và trách nhiệm đối với gia đình. Đó thực sự là áp lực rất lớn”, chị Vân nói.
Chương trình Vinh Quang Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Ý chí Việt Nam” diễn ra tối 4/6, tôn vinh 5 tập thể và 11 cá nhân điển hình cho ý chí, khát vọng vươn lên, vượt mọi khó khăn, quyết tâm phát huy triệt để sức mạnh nội lực, phát huy tính tự lực, tự cường để đứng vững trước thách thức chung và tìm cách vươn lên, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.