PGS.TS Trần Thành Nam: Giải pháp then chốt phòng chống bạo lực học đường

Google News

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc trả lại vai trò đúng nghĩa của các nhà tham vấn tâm lý học đường là giải pháp then chốt trong công tác phòng chống bạo lực học đường.

Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, để phòng ngừa bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội.
PGS.TS Tran Thanh Nam: Giai phap then chot phong chong bao luc hoc duong
 PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hải.
Theo đó, về phía nhà trường, cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để có thể xác định được những em đang gặp phải vấn đề tổn thương về sức khỏe tinh thần, hay có nguy cơ về những vấn đề về tâm lý, hành vi có khả năng dẫn tới bạo lực.
Cần có một quy trình trong đó có những phương thức thuận lợi để mọi người có thể khiếu nại về những hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực ở trong nhà trường. Sau khi tiếp nhận thông tin về bạo lực thì sẽ xử lý thế nào.
Phải có chương trình phòng ngừa nói chung, trong đó, giáo dục các em về giá trị sống tích cực, có kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề. Cùng với đó, phải có chương trình giáo dục cho cha mẹ, giáo viên về cách quản lý lớp tích cực, và ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm mẫu hình bạo lực cho con cái.
Phải đưa vào nguyên tắc ứng xử trong nhà trường những giá trị yêu thương, tôn trọng từ lớp học cho tới nhà ăn.
“Gia đình, tổ chức địa phương cũng phải tham gia vào chương trình này. Bởi bạo lực không chỉ xảy ra trong trường mà có thể từ nhà đến trường, hoặc trên mạng Internet…Tất cả mọi người đều phải chung tay để làm cho môi trường của các con được an toàn hơn”, ông Nam nói.
PGS.TS Trần Thành Nam và lấy ví dụ, để con đường từ nhà đến trường an toàn thì phải có người canh gác. Hoặc trong nhà trường có những góc rất khuất, có thể xảy ra hành vi bắt nạt thì phải có camera…
Tuy nhiên, yếu tố then chốt để giúp điều hòa tất cả hoạt động này, đó là chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, trả lại vị trí, vai trò của nhà tham vấn tâm lý trong trường học cũng như phòng tư vấn tâm lý trong các nhà trường.
Nhà tham vấn tâm lý như “kiến trúc sư” thiết kế ngôi trường hạnh phúc
“Khi bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề cấp bách thì các giải pháp cũng cần đặt trọng tâm, cụ thể, trong đó, có việc trả lại vị trí, vai trò của nhà tham vấn ở trong trường học cũng như vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường, Cán bộ tâm lý ở trong nhà trường tựa như kiến trúc sư thiết kế các hoạt động từ phòng ngừa, sàng lọc, các hoạt động hỗ trợ nhóm, cá nhân làm việc với phụ huynh hay giáo viên, kết nối tất cả các nguồn lực để phục vụ cho công tác phòng chống bạo lực học đường”, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, hiện chúng ta đang hiểu phòng tư vấn học đường rất hẹp, tức là chỉ có ngồi tư vấn 1-1. Khi học sinh gặp vấn đề thì lên và được tư vấn thông tin, chứ không phải tư vấn về tâm lý, cảm xúc.
Trong khi đó, nhà tham vấn tâm lý học đường đúng nghĩa phải giữ vai trò trung tâm trong việc thiết kế nên ngôi nhà hạnh phúc, phải là người có đủ năng lực, được đào tạo bài bản để lập ra được hệ thống các chương trình đánh giá toàn trường và định kỳ.
Nhà tham vấn cũng phải là người tổ chức, thiết kế một quy trình, trong đó có đường dây nhận các khiếu nại liên quan đến bạo lực hoặc các vấn đề mất an toàn trong trường. Sau đó, phải phân nhóm được các nguy cơ và có chiến lược để hỗ trợ chuyên biệt cho từng nhóm.
Nhà tham vấn tâm lý phải có năng lực để triển khai các chương trình, khóa học phòng ngừa, trong đó có các khóa học trang bị về kỹ năng sống, ví dụ quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề phi bạo lực, tổ chức được các nhóm hòa giải ngang hàng, có kỹ năng tham vấn cá nhân cho học sinh, tham vấn nhóm, làm việc với phụ huynh, tư vấn cho giáo viên.
Và cuối cùng, phải có năng lực điều phối tất cả các nguồn lực ở địa phương, cộng đồng… để phục vụ cho quá trình phát triển nhân cách của học sinh.
“Với công việc và đòi hỏi như vậy, liệu giáo viên có kiêm nhiệm được không? Giáo viên không thể có kỹ năng, cũng như không thể được tập huấn và cập nhật chuyên môn liên tục được. Ngoài ra, họ còn bận bịu với công việc giảng dạy của mình. Đặc biệt, công việc này yêu cầu một chút độc lập với giáo viên, có “quyền lực” với hệ thống trong việc đưa ra các chiến lược và phải có nguồn lực tương ứng để làm, không thể kiêm nhiệm”, ông Nam cho hay.
Và điều quan trọng, theo PGS.TS Trần Thành Nam, muốn làm tư vấn học đường thì phải có kiến thức chuyên sâu ở 3 lĩnh vực: Các vấn đề về hành vi cảm xúc; các vấn đề về phương pháp học tập để hỗ trợ cho những học sinh gặp khó khăn liên quan lĩnh vực này; các vấn đề liên quan đến hướng nghiệp, nghề nghiệp. Rõ ràng, không thể kiêm nhiệm.
“Cho nên, cần trả lại vị trí đúng nghĩa. xác định đúng vai trò, quy đúng nhiệm vụ và phải có những tưởng thưởng xứng đáng, về vị trí việc làm, kinh phí, lương cho những nhà tham vấn tâm lý học đường”, ông Nam nói.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, hiện nay chúng ta đang có những khó khăn về vấn đề con người. Nhưng nếu coi trọng tâm của việc giáo dục là chất lượng chứ không phải chạy theo số lượng thì vẫn có những giải pháp. Chẳng hạn, trước mắt, các trường có thể tiến hành sàng lọc, xác định nhóm nguy cơ, sau đó kết nối với chuyên gia bên ngoài để hỗ trợ. Trong tương lai, Sở GD&ĐT nên thành lập một nhóm gồm 7-8 chuyên gia, có thể từ các trường đại học uy tín phụ trách theo cụm trường. Trường nào có các nhóm nguy cơ cao thì Sở sẽ cử đội đặc trách đó xuống. xử lý chuyên môn, tránh để xảy ra các vụ việc đau lòng như vừa qua.

Mời quý độc giả xem video: "PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về "ba chân kiềng" của một nhà khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)