|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: TTXVN. |
Trao đổi với báo chí tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp với xu hướng chuyển đổi số” ngày 24/6, PGS.TS Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QD-TTG ngày 03/6/2020 về phê duyệt "Chương trình quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngay sau đó, TP HCM đã công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.
Chương trình chuyển đổi số của TP HCM được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và kiến trúc Chính quyền điện tử TP.
TP đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Với vai trò là trung tâm khoa học kỹ thuật, TP HCM có lợi thế trong việc nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho thị trường khu vực. TPcũng là nơi đi đầu cả nước trong việc triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Trồng dưa lưới tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM |
Hiện nay, 10 ngành được TP HCM ưu tiên chuyển đổi số là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực. Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh chuyển đổi số, coi nó là một trong những động lực tăng trưởng mới cho TP HCM sau đại dịch.
Nông nghiệp TP tuy chỉ chiếm dưới 1% tỷ trọng GRDP của TP nhưng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Theo PGS.TS Dương Hoa Xô, Trung tâm Công nghệ sinh học TP với quy mô 23 ha có chức năng và nhiệm vụ là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên công nghệ sinh học…
Trung tâm đầu tư nhiều cơ sở vật chất như xây dựng khu nhà kính, nhà lưới, nhà màng, phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật với công nghệ hiện đại nhất khu vực phía Nam. Đưa vào hoạt động khu nghiên cứu 12 phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ sinh học, 4 phòng thí nghiệm công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học thực vật, thủy sản, tế bào động vật nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp.
Như vậy, với tiềm năng và thế mạnh đang có, là TP đi đầu trong chuyển đổi số, nhưng nông nghiệp TP sẽ chuyển đổi số như thế nào cùng với sự phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và công nghệ sinh học. Các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và vai trò của người nông dân tham gia như thế nào trong quá trình này để chương trình chuyển đổi số?
|
Ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây |
Thực tế, ngành nông nghiệp TP.HCM đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng Internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…). Trong đó, ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ blockchain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn...
Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số nông nghiệp ở TP HCM cần thực hiện ngay ở các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp ở những mặt hàng có thế mạnh, cạnh tranh cao và ít rủi ro. Chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác…
Ngoài ra, dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Do đó, nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm. Cần chuẩn hóa và tự động hóa quy trình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến nền nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ, tạo nên mô hình nông thôn thông minh.
TP HCM cần tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho việc tăng trưởng, phát triển ngành. Trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin, có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng, để TP HCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ngành nông nghiệp không muốn lỡ chuyến tàu chuyển đổi số: