|
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu các vụ nổ kèm chớp sóng radio nhanh bí ẩn, từ vũ trụ xa xôi, được phát hiện nhờ kính viễn vọng lớn nhất thế giới FAST. |
Báo chí Nga cho hay, các nhà vật lý thiên văn Trung Quốc nghiên cứu các vụ nổ chớp sóng radio nhanh (FRB – Fast Radio Burst) thông báo về hàng chục tín hiệu mới. Một xung vô tuyến bí ẩn, được gọi là FRB121102, được phát hiện từ tháng 8 và kể từ đó các tín hiệu định kỳ xuất hiện trở lại.
Huang Yongfeng - Giáo sư tại Viện Khoa học Thiên văn ,Vũ trụ thuộc Đại học Nam Kinh, trong một cuộc phỏng vấn với báo Sputnik, cho biết những vụ nổ sóng radio nhanh là gì và tại sao chúng rất khó nghiên cứu.
Nổ FRB là gì?
“Ngay từ năm 2001, khi các nhà thiên văn học nghiên cứu tài liệu lưu trữ được ghi lại bằng kính viễn vọng vô tuyến, họ bất ngờ gặp phải một hiện tượng kỳ lạ: trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, kính viễn vọng đã phát hiện ra một vụ nổ sóng rất mạnh.
Mặc dù thực tế thời lượng xảy ra chỉ một phần nghìn giây, nhưng có cường độ rất mạnh. Do đó chúng được gọi là vụ nổ sóng radio nhanh. Nói cách khác, đây là những xung sóng vô tuyến không xác định tới từ sâu thẳm trong không gian”, - ông Huang Yongfeng nói.
“Trước đây, mọi người không có ý kiến tranh luận sôi nổi về những hiện tượng như vậy. Ngay cả các nhà thiên văn học cũng không thể giải thích bản chất hiện tượng này.
Lúc đầu, người ta tin rằng đây là nhiễu do bức xạ từ hành tinh của chúng ta, nhưng sau đó các nhà khoa học Australia trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra nguồn phát ra sóng vô tuyến nằm ở đâu đó trong không gian”, - nhà khoa học Yongfeng nói.
Các FRB được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2007 và trong số các giả thuyết về nguồn gốc của chúng có một giả thuyết về bản chất xa lạ của các tín hiệu. Tuy nhiên, không có câu trả lời chắc chắn: ví dụ vào năm 2010, các tín hiệu từ Trái đất đã bị nhầm lẫn với FRB.
“Một số nhà khoa học có thẩm quyền tin rằng bức xạ có thể đến từ động cơ năng lượng mặt trời của các nền văn minh ngoài Trái đất. Tuy nhiên, không có nhiều nhà thiên văn học ủng hộ giả thuyết này”, - giáo sư Trung Quốc nói.
Khi nào sẽ có lời giải đáp thuyết phục?
Hiện giờ, khó có thể nói bất cứ điều gì về nguyên nhân tạo ra bức xạ như vậy. Huang Yongfeng tin rằng sẽ mất rất nhiều thời gian:
“Tôi, cũng giống như nhiều nhà thiên văn học, cho rằng những vụ nổ sóng này mời được khoa học biết đến chỉ trong 10 năm nay, một khoảng thời gian rất ngắn đối với thiên văn học.
Ngoài ra, việc theo dõi và nghiên cứu những đợt bùng phát này khá khó khăn, vì chúng phát sinh và biến mất vô cùng nhanh chóng, trong khi hầu như không bao giờ xuất hiện ở địa điểm cũ.
Chúng ta chỉ có thể quan sát nền bức xạ của chúng, mà không có khả năng nghiên cứu các thông số khác. Do đó, chúng ta sẽ không thể sớm tìm ra nguồn gốc của những vụ nổ chớp này. Ít nhất là không sớm hơn trong 10-20 năm nữa".
Năm 2019, các nhà khoa học đã phát hiện ra một xung FRB121102 khác vào ngày 30/8. Sau đó, kính viễn vọng đã ghi lại hàng chục tín hiệu lặp lại trong vài ngày. Chỉ vào ngày 3/9 đã có hơn 20 lần. Tuy nhiên, khó khăn khi nghiên cứu là những vụ nổ này gần như không thể theo dõi do bản chất của sự xuất hiện.
“Từ trước đến giờ, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra khoảng một trăm tia sáng như vậy. Hầu hết trong số đó đã không xảy ra ở những nơi đã được phát hiện ra trước đó.
Do vậy rất khó để xác định nguồn gốc của hiện tượng. Theo ước tính sơ bộ, có khoảng 10.000 vụ mỗi ngày, nhưng kính viễn vọng của chúng tôi không ghi nhận số lượng như vậy.
Điều gây tò mò nhất là chúng tôi không thể nói liệu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa các vụ nổ được phát hiện, vì không thể theo dõi chúng trong một khoảng thời gian đủ dài.
Trong mọi trường hợp, các vụ nổ radio nhanh lặp đi lặp lại một lần nữa khẳng định đây thực sự không phải là sự can thiệp vô tuyến trên Trái đất chúng ta, mà là một thứ gì đó đến với chúng ta từ bên ngoài”. - nhà khoa học Trung Quốc nhận định.