Tiểu hành tinh Apophis 99942 (năm 2029)
Vấn đề gây đau đầu hiện nay đối với các nhà thiên văn học là tiểu hành tinh Apophis 99942. Hiện nay, tiểu hành tinh này là mối nguy hiểm lớn nhất đối với Trái Đất. Theo các nhà nghiên cứu của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), “vị khách bất ngờ” này sẽ lao về phía hành tinh chúng ta vào năm 2029. Trọng lượng của tiểu hành tinh Apophis 99942 là 46 triệu tấn, đường kính xấp xỉ 500m. Theo dự báo của NASA, nếu nó va chạm với hành tinh chúng ta, thì sẽ gây ra thảm họa còn lớn hơn nhiều so với những thảm họa trước đây khiến loài khủng long bị hủy diệt. Theo số liệu năm 2009, khả năng xảy ra thảm họa này có xác suất là 1/250.000. Sự thực, năm 2013 các nhà khoa học đã phủ nhận mọi nguy cơ xảy ra va chạm với tiểu hành tinh này.
Thế giới chìm trong nước (năm 3000)
Nếu nhân loại không bị đe dọa bởi thảm họa từ vũ trụ, thì nền văn minh Trái Đất cũng sẽ bị hủy diệt bởi sự nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học dự báo rằng, sau 1.000 năm nữa nhiệt độ Trái Đất có thể sẽ tăng thêm 150C, trong khi mực nước biển sẽ dâng cao hơn 11m. Khi đó, người dân sinh sống ở các khu vực đại dương cũng sẽ gặp trở ngại do lượng axít trong nước tăng lên, dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt các loài sinh vật.
May mắn là, theo chuyên gia Tim Lenton, người đứng đầu công trình nghiên cứu hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu, những dự báo thảm khốc này vẫn có thể tránh được. Tuy nhiên, để làm được điều này thì nhân loại phải nhanh chóng giảm lượng khí thải CO2 và hạn chế khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Bức xạ tia gamma (600 triệu năm sau)
Có những đại thảm họa xảy ra mà con người không thể nào tránh được. Tuy nhiên điều may mắn là, một thảm họa như vậy sẽ không sớm xảy ra, mà sau 600 triệu năm nữa. Theo đó, Trái Đất sẽ phải đối mặt với luồng tia gamma mạnh chưa từng có phát ra từ Mặt Trời. Hiện tượng này sẽ tạo ra những lỗ thủng tầng ôzôn khổng lồ, hay nói đúng hơn là sẽ phá hủy một nửa tầng ôzôn hữu ích của Trái Đất.
Hậu quả của hiện tượng bức xạ tia gamma là rất rõ ràng. Nó biến hành tinh của chúng ta thành sa mạc và làm tuyệt chủng tất cả sinh vật sống. Chẳng hạn, một trong những vụ tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất là cuộc đại tuyệt chủng Ordovic-Silur diễn ra cách đây 450 triệu năm (đánh dấu ranh giới giữa hai kỷ Ordovic và Silur). Theo một giả thuyết, cuộc đại tuyệt chủng này là hậu quả của vụ nổ tia gamma từ một siêu tân tinh nằm cách Trái Đất 6.000 năm ánh sáng.
Tân Sao Kim (1 triệu đến 3,5 triệu năm sau)
Hành tinh chúng ta sẽ không kịp hồi phục sau “đòn tấn công tiếp theo từ Mặt Trời”, vì ngôi sao này sẽ tạo ra cho Trái Đất một bất ngờ khác. Theo dự báo của các nhà khoa học, trong khoảng 1 tỷ năm tới, Mặt Trời sẽ bắt đầu biến đổi thành một ngôi sao khổng lồ đỏ và toàn bộ sự sống trên Trái Đất sẽ dần dần bị “thiêu rụi”. Tiếp một thời gian sau đó, Trái Đất sẽ trở thành Sao Kim thứ hai, nơi có nhiệt độ đạt đến độ sôi của các kim loại độc hại, biến toàn bộ hành tinh chúng ta thành một vùng đất hoang có chứa chất độc. Đó là kết luận của các nhà khoa học dựa trên kết quả quan sát những hành tinh đang chết (hành tinh KOI 55.01 và KOI 55.02), đây là những hành tinh thuộc sao khổng lồ đỏ KIC 05807616 ở rất xa Trái Đất. Khi đó, trong trường hợp nếu còn tồn tại, thì Sao Hỏa có thể sẽ trở thành “cứu cánh” cho nhân loại, bởi nó sẽ nằm trong khu vực sinh sống được.
Hạt nhân (5 tỉ năm sau)
Theo ấn bản Corriere della Sera, các nhà khoa học đã nhìn thấy những gì còn sót lại từ hai hành tinh bị diệt vong đó sau khi “Mặt Trời” của chúng mở rộng ra. Những gì còn sót lại đó là các hạt nhân. Theo NASA, điều này sẽ xảy ra với Trái Đất sau 5 tỉ năm nữa, mặc dù hành tinh chúng ta sẽ chết sớm hơn trước đó rất nhiều. Với việc bắt đầu biến đổi ngôi sao của chúng ta, gió Mặt Trời sẽ mạnh lên, đẩy Trái Đất ra khỏi quỹ đạo cũ trước đó, dẫn đến sự hủy hoại tất cả quá trình sống.
Trái Đất là hành tinh quá nhỏ bé để có thể tồn tại qua một thảm họa như vậy, khác với Sao Mộc và Sao Thổ, nơi mà theo các nhà thiên văn học, có nhiều cơ hội sống sót hơn. Tuy nhiên, con người sẽ không phải lo lắng, bởi 5 tỷ năm nữa là khoảng thời gian gần như vĩnh hằng. Trong khi đó, lịch sử của loài người hiện đại (Homo sapiens) chỉ mới được 60 nghìn năm.