Nhà khoa học Việt lọt top xuất sắc thế giới

Google News

PGS.TS.Trần Xuân Bách vừa được trang Research.com vinh danh trong bảng xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học.

PGS.TS Trần Xuân Bách – 1 trong 10 nhà khoa học lọt xếp hạng thế giới
Mới đây, trang mạng Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học trên thế giới đã công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học. PGS.TS Trần Xuân Bách là 1 trong 10 nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng, ở lĩnh vực y tế công cộng.
PGS.TS Trần Xuân Bách sinh tháng 10/1984, là cựu học sinh chuyên Toán – Tin, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Nha khoa hoc Viet lot top xuat sac the gioi
Chân dung PGS.TS Trần Xuân Bách. 
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Thủ khoa Trường ĐH Y tế công cộng, PGS.TS Trần Xuân Bách về làm giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội.
Năm 2009, ông nhận được học bổng tiến sĩ tại Đại học Alberta, Canada, chuyên ngành Kinh tế y tế và Chính sách y tế. Chương trình đào tạo tiến sĩ này quy định thời gian học tập tối đa 6 năm, tối thiểu 3 năm, tuy nhiên, chỉ trong 2 năm, Trần Xuân Bách đã hoàn thành chương trình học, đạt điểm tuyệt đối tất cả các môn và bảo vệ luận án loại xuất sắc.
Sau đó, PGS.TS Trần Xuân Bách học sau tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins – đại học hàng đầu về y tế công cộng.
Các nghiên cứu của Trần Xuân Bách tập trung vào vấn đề kinh tế y tế và chính sách y tế; những vấn đề bức xúc của xã hội như HIV/AIDS, nghiện chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, béo phì, phòng chống bệnh mãn tính…
Năm 2013 trở về nước, PGS.TS Trần Xuân Bách trở về nước, tiếp tục phát triển những nghiên cứu của mình và gặt hái được nhiều thành công.
Năm 2014, ông được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực châu Á của Hội đồng các Viện Hàn lâm quốc tế (IAP); tham gia giảng dạy chương trình lãnh đạo trẻ về y tế thế giới của Viện Hàn lâm Y học New York và Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế, chủ trì phiên họp về Lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin (Đức).
Năm 2015, PGS.TS Trần Xuân Bách được Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins trao giải thưởng nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng.
Năm 2016, ông được phong hàm Phó Giáo sư, trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.
Năm 2019, là người Việt Nam duy nhất trong lĩnh vực y tế công cộng được bổ nhiệm chức danh Giáo sư kiêm nhiệm (adjunct professor) của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Năm 2020, Trần Xuân Bách là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được trao Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020.
Năm 2021, PGS.TS Trần Xuân Bách lọt vào danh sách 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam trong bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021.
Quá trình công tác, PGS.TS Trần Xuân Bách đã giành được nhiều giải thưởng trên thế giới như: Giải thưởng Nghiên cứu Quốc tế về Lâm sàng và Dự Phòng của Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins, Mỹ, năm 2015; Giải thưởng INSIGHT dành cho nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng, Đại học Alberta, Canada năm 2010; Giải thưởng của Alberta Innovates - Health Solutions, Canada, 2012.
TS Trần Xuân Bách còn là đại diện 20 nhà khoa học trẻ thế giới của IAP tham dự Đại hội đồng y tế thế giới tại Geneva, 2016; là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2016; Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016; và là lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới năm 2014 của Liên Viện Hàn lâm Quốc tế.
Sự thuần khiết trong khoa học
PGS.TS Trần Xuân Bách chia sẻ, gia đình ông muốn hướng ông theo kỹ thuật, nhưng rồi ông lại chọn theo ngành Y. Các nghiên cứu của ông tập trung vào 3 hướng chính là Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế, Dịch tễ học xã hội và Y tế điện tử.
PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết, công việc nghiên cứu luôn đi kèm với rất nhiều khó khăn. Nhưng ông luôn coi đó là tất yếu, bản chất của phát triển và là động lực để sáng tạo, rèn luyện bản thân.
Có những đêm bão tuyết lạnh đến -45 độ C ở Canada, 3 – 4 giờ sáng ông mới rời trường, một mình đi bộ về nhà. Cũng có những lúc chán nản, tưởng như tuyệt vọng trên con đường học thuật, nghiên cứu của mình. Nhưng rồi, ông vẫn vững bước nối tiếp con đường những người thầy của mình đã đi qua, coi những thử thách như “kho báu” trong hành trang trưởng thành của mình.
“Nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi phải phấn đấu và rèn luyện", PGS Bách nói và không muốn nhắc về những khó khăn đã trải qua.
Một trong những điều quan trọng của người làm nghiên cứu, theo PGS Bách đó là phải có tình yêu và đam mê. Người làm việc hiệu suất cao đều là những người làm việc với một tình yêu và đam mê chứ không phải là nghĩa vụ phải làm.
Bản thân ông luôn làm việc với thái độ không coi là mình đang phải làm việc. Và nếu có học trò nào của ông làm việc nghiên cứu với thái độ là coi mình đang phải đi làm thì ông lập tức khuyên nên làm việc khác.
Một điều quan trọng nữa của người làm khoa học, theo PGS Bách, đó là phải hướng tới sự thuần khiết. Không có sự thuần khiết, con người không thể có cảm hứng, sự tự do, động lực để sáng tạo và không đạt được đỉnh cao. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.
Nhìn vào “bảng thành tích” dài dằng dặc của ông, nhiều người cảm thấy khâm phục sức làm việc của vị PGS trẻ, tuy nhiên, PGS Trần Xuân Bách chia sẻ, những giải thưởng chỉ như sự động viên, ghi nhận, cổ vũ tinh thần ở những giai đoạn cột mốc để ông tiếp tục tiến lên.
Ông không thích những từ như: xuất chúng, thành công, giỏi… Là một người thầy, ông đào tạo các học trò theo hướng chú tâm, làm chu đáo từng việc nhỏ. Đó là điều mà ông cảm thấy thiếu ở giới trẻ bây giờ.
“Người ta hay thích làm điều to tát nhưng không phải bằng sự chú tâm, bằng tâm huyết. Nhiều khi tôi thấy chán nản vì không dễ đào tạo được phẩm chất này cho học trò”, PGS Bách chia sẻ.
Ngoài công việc chuyên môn, PGS.TS Trần Xuân Bách còn là Ủy viên Ban chấp hành TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2017-2022), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (2019-2024). Ông được nhận 3 Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho Giải thưởng tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học Y-Dược Việt Nam: Giải Xuất sắc (2004), Giải Ba (2012), Giải Nhì (2016).

Mời quý độc giả theo dõi video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Nguyễn Mai

>> xem thêm

Bình luận(0)