Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (KVA) nơi trao giải Nobel Hóa học thường niên, ghi nhận nhà hóa sinh người Anh Frederick Sanger (1918-2013) đã 2 lần được trao giải Nobel Hóa học vào các năm 1958 và 1980, là người đầu tiên được trao 2 giải Nobel Hóa học.
Cụ thể, lần thứ nhất Tiến sĩ F. Sanger được vinh dự nhận giải Nobel Hóa học của năm 1958, về công trình nghiên cứu làm sáng tỏ cấu trúc của các protein, đặc biệt là insulin, mở đường cho việc thiết lập nền tảng luận thuyết trung tâm của di truyền học và sinh học phân tử.
Lần thứ 2 là giải Nobel Hóa học của năm 1980, Tiến sĩ F. Sanger nhận chung giải thưởng với hai nhà hóa học người Mỹ là Paul Berg (1926-2023) và Walter Gilbert, cho những nghiên cứu liên quan đến chuỗi axít nucleic giúp phát triển và cải tiến kỹ thuật giải trình tự ADN.
Tính đến năm 2022, Tiến sĩ F. Sanger là một trong 5 người được trao tới 2 giải Nobel, bốn người là Marie Curie người Pháp gốc Ba Lan gồm giải Nobel Vật lý (năm 1903) và giải Nobel Hóa học (năm 1911); Linus Pauling, người Mỹ gồm giải Nobel Hóa học (năm 1954) và giải Nobel Hòa bình (năm 1962); John Bardeen, người Mỹ gồm 2 giải Nobel Vật lý (năm 1956 và năm 1972) và Karl Barry Sharpless, người Mỹ gồm 2 giải Nobel Hóa học (năm 2001 và 2022).
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về "ba chân kiềng" của một nhà khoa học.