Chưa nói tới việc sống trên sao Hỏa, quá trình di chuyển trong vũ trụ cũng có thể làm các nhà du hành mất mạng do phóng xạ trong không gian gây ung thư.
|
Ảnh minh họa. |
Trong một sự kiện gần đây tại London, tiến sĩ Douglas Terrier, phụ trách bộ phận kỹ thuật của NASA đã đề cập tới khả năng chỉnh sửa DNA của các nhà du hành vũ trụ. Hiện ý tưởng này mới đang trong quá trình thử nghiệm.
Chỉnh sửa và can thiệp DNA là công đoạn sinh học phức tạp nhất mà con người có thể tiến hành. Tuy nhiên, đây được xem là cách hữu hiệu mang lại nhiều lợi ích thực sự cho các cư dân trên hành tinh mới, đặc biệt là sao Hỏa.
Theo NASA, các nhà du hành trên Trạm Vũ trụ Quốc tế phải chịu nguy cơ phóng xạ gấp 10 lần trên Trái Đất. Trường điện từ của Trái Đất giúp ngăn chặn các hạt tích điện phóng xuống phía dưới nên đã hạn chế tối đa nguy cơ phóng xạ. Tuy nhiên, các nhà du hành ngoài không gian lại không được bảo vệ theo cách này.
Với chuyến du hành dài tới hành tinh Đỏ, lượng phóng xạ mà các nhà du hành hấp thụ sẽ rất lớn. Hiện NASA đang tính toán khối lượng phóng xạ hấp thụ này để có cách đối phó hiệu quả.
Chỉnh sửa DNA không phải là giải pháp duy nhất. NASA có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ tích cực khác như dùng bộ đồ đặc biệt hoặc chỉnh sửa chất liệu và cơ chế vận hành của tàu vũ trụ.