Thuở ban đầu tới Hà Nội học, Bùi Đức Sơn, sinh viên K65, ngành Điện tử Viễn thông, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, thường hay nhận được câu hỏi từ các bạn: “Trên đấy có điện không?”, “Các cậu đi tắm ở suối à?”…
Với những nỗ lực cố gắng, chàng trai người Nùng đã có bảng thành tích đáng nể với giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp đại học, 2 bài nghiên cứu trên tạp chí Q1 và giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ - tiến sĩ của trường đại học lâu đời nhất Hàn Quốc.
|
“Nam thần HUST”, “idol Bách khoa” là những biệt danh bạn bè đặt cho Bùi Đức Sơn, không chỉ bởi vẻ ngoài đẹp trai, mà còn ở thành tích học tập nổi bật. Ảnh: NVCC. |
Thành tích đáng nể của “nam thần” Bách khoa
“Nam thần HUST”, “idol Bách khoa” là những biệt danh bạn bè đặt cho Bùi Đức Sơn, không chỉ bởi vẻ ngoài đẹp trai, mà còn ở thành tích học tập nổi bật cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Ngay từ năm thứ 3 đại học, nam sinh được gợi ý tham gia nghiên cứu khoa học về phát triển thuật toán ứng dụng cho hệ thống truyền thông. Với sự hướng dẫn của hai thầy là PGS Nguyễn Tiến Hòa và TS Trịnh Văn Chiến, đề tài được triển khai là “Tấn công và phòng thủ trong mạng 6G-IoT sử dụng trí tuệ nhân tạo”.
|
PGS Nguyễn Tiến Hòa, giảng viên Trường Điện - Điện tử (trái) chúc mừng Bùi Đức Sơn đoạt giải Nhất Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 41. Ảnh: NVCC. |
Hướng nghiên cứu của đề tài xoay quanh mô phỏng cuộc tấn công đối nghịch hệ thống truyền thông không dây được mã hóa tự động với kênh truyền sát thực tế (số điểm tán xạ hữu hạn), thay thế những thành phần cứng vật lý truyền thống bằng mạng nơ-ron tích chập 1 chiều, mục đích là tăng cường hiệu suất của hệ thống.
Thông qua cuộc tấn công đối nghịch, giúp hệ thống truyền thông không dây có ứng dụng của AI chỉ ra điểm yếu của AI, từ đó đưa ra cách khắc phục và bảo mật hệ thống.
Sau một năm miệt mài nghiên cứu, Đức Sơn công bố 2 bài nghiên cứu trên tạp chí Q1 đầu ngành của lĩnh vực mạng truyền thông 5G/6G, trong đó có một bài là tác giả chính.
Tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 41 của Đại học Bách khoa Hà Nội, đề tài nghiên cứu của Bùi Đức Sơn giành giải Nhất hạng mục Công nghệ dữ liệu và Hệ thống thông minh.
Không chỉ thành công trong nghiên cứu khoa học, cậu còn xuất sắc chinh phục học bổng kết hợp thạc sĩ - tiến sĩ toàn phần của Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) khi chưa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Cậu cưỡi ngựa đi học à?”
Trở thành niềm ngưỡng mộ của bao bạn bè, thế nhưng, Bùi Đức Sơn từng là cậu học trò rụt rè, tự ti. Chàng trai chia sẻ, em là con cả trong gia đình người dân tộc Nùng tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Gia đình sinh sống bằng nghề chế biến nông sản, sử dụng nguồn nguyên liệu có nhiều tại địa phương là măng tre, sản xuất ra đặc sản măng ớt.
|
Những ngày đầu tới Hà Nội, các bạn hay hỏi Sơn những câu như: "Cậu cưỡi ngựa đi học à"?. Ảnh: NVCC. |
Cuộc sống vất vả, khó khăn, nhưng bố mẹ luôn tạo điều kiện tối đa để Sơn và em trai học tập. Thấy con có năng khiếu về khoa học tự nhiên, bố mẹ động viên thi vào trường chuyên của tỉnh, cách nhà gần 40 km. Bùi Đức Sơn là học sinh duy nhất ở huyện Chi Lăng thi đỗ chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn).
Vốn là cậu bé rụt rè, nhút nhát, tự ti, cậu đã nỗ lực vươn lên, giành giải cao các cuộc thi Học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, tham gia nhiều trại hè Olympic trong khu vực. Những thành tích này giúp Đức Sơn được tuyển thẳng vào ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Những ngày đầu tới Hà Nội, các bạn hỏi em: Cậu cưỡi ngựa đi học à? Em vui vẻ trả lời: Tớ cưỡi ngựa xuống Hà Nội đấy, ngựa buộc ở dưới gốc cây kia kìa”, Sơn nhớ lại kỷ niệm vui.
Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ ở quê nhà, chàng trai tự đặt ra mục tiêu học tập cho mình với quyết tâm cao. Đến giảng đường, nam sinh thường chọn vị trí ngồi ở dãy bàn đầu để nghe giảng cho rõ, có gì không hiểu sẽ giơ tay hỏi ngay.
Cũng nhờ thói quen này, Sơn được PGS Nguyễn Tiến Hòa, giảng viên Trường Điện - Điện tử - chú ý khi học lớp Lý thuyết mạch và được thầy đề xuất tham gia lab (phòng thí nghiệm). Vào lab của thầy Hòa, chàng trai có cơ hội làm quen, trao đổi với TS Trịnh Văn Chiến - Giảng viên Trường CNTT & Truyền thông. Cuộc gặp gỡ “định mệnh” với hai người thầy đã đưa nam sinh đến con đường học tập, nghiên cứu và đạt những thành tích xuất sắc sau này.
Bí quyết “săn” học bổng
Nhắc đến bí quyết để "săn" học bổng, Đức Sơn cho biết, mình quyết định nộp hồ sơ vào Sungkyunkwan vừa để tiết kiệm chi phí làm hồ sơ, vừa dồn hết tâm sức cho học bổng phù hợp nhất.
Tháng 9/2023, cậu sinh viên này bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin học bổng bằng việc thi chứng chỉ IELTS. Với Đức Sơn, đây là khâu khó khăn nhất.
|
Ôn thi IELTS, viết bài luận xin học bổng trong lúc đang là thực tập sinh bận rộn, Bùi Đức Sơn vẫn giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ - tiến sĩ của trường đại học lâu đời nhất Hàn Quốc. Ảnh: NVCC. |
“Học sinh miền núi như chúng em hầu như không được tiếp cận sớm các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC. Hầu như cũng không có trung tâm ôn luyện. Em chỉ biết đến sự tồn tại của những chứng chỉ này khi lên đại học. Đến khi có dự định du học, em mới bắt đầu làm quen với cấu trúc đề và ôn luyện”, nam sinh chia sẻ.
Bằng quyết tâm cao độ, sau 2 tháng “cày mòn” nhiều bộ đề, mà chỉ học được vào buổi tối do còn đang là thực tập sinh, Đức Sơn đi thi, nhận về kết quả IELTS 6.5. Mặc dù điểm số không quá cao, đó đã là sự nỗ lực của chàng trai đến từ Lạng Sơn.
Cùng với ôn IELTS, Đức Sơn còn phải chuẩn bị bài luận xin học bổng. Sơn lựa chọn viết về bảo mật lớp vật lý cho hệ thống truyền thông, đồng thời nghiên cứu về mô hình ngôn ngữ lớn để áp dụng vào hệ thống truyền thông không dây hiện đại (6G). Mỗi lần viết xong, Sơn đều gửi cho thầy Chiến, thầy Hòa góp ý, sau đó tiếp tục hoàn thiện.
“Cuối cùng, sau khoảng 10 lần, bài luận của em cũng được 2 thầy duyệt và nhận được thư chấp nhận của Đại học Sungkyunkwan vào tháng 5/2024. Đây là niềm vui rất lớn với em”, chàng sinh viên chia sẻ.
Tháng 8/2024, Bùi Đức Sơn sẽ bắt đầu hành trình du học. Với học bổng này, cậu được nhận mức hỗ trợ tổng cộng 630 triệu đồng/năm (tương đương 35 triệu won), chi phí được trường cấp trong suốt 5 năm theo học. Ngoài ra, Sơn cũng được nhà trường hỗ trợ 28 triệu đồng (1,5 triệu won) phí sinh hoạt hàng tháng.
Nam sinh cho hay, sau khi hoàn thành chương trình học tại nước ngoài, cậu mong muốn có cơ hội trở về, trở thành giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, noi gương những người thầy luôn tâm huyết với các thế hệ học trò.