Trang công nghệ quân sự trực tuyến C4ISRNET đưa tin, Cơ quan Phát triển không gian Mỹ (SDA) tuần trước đã công bố một bản kiến nghị các dự án, trong đó cơ quan này đang tìm kiếm một nhà thầu có thể thiết kế và chế tạo 8 vệ tinh sử dụng cảm biến hồng ngoại để theo dõi các vũ khí siêu thanh.
Những hệ thống này nằm trong nhóm 20 vệ tinh đầu tiên sẽ sẵn sàng trình làng vào năm 2022, bước đầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu triển khai hàng trăm vệ tinh liên kết với nhau, hoạt động trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Thêm nhiều vệ tinh tân tiến dự kiến sẽ được triển khai trong 2 năm tiếp theo.
Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) từng thông báo đang nghiên cứu phát triển một tên lửa đánh chặn nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ các vũ khí siêu thanh trong khu vực.
Báo South China Morning Post dẫn lời He Qisong, một chuyên gia phòng thủ vũ trụ tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định: "Mạng lưới 150 vệ tinh nói trên là một phần trong kế hoạch triển khai hơn 42.000 vệ tinh của Mỹ vào không gian nhằm giám sát mọi thứ, kể cả các vũ khí siêu thanh, tên lửa chống vệ tinh và các công nghệ tân tiến khác thuộc sở hữu của Trung Quốc và Nga".
"Với sự trợ giúp của mạng lưới theo dõi vệ tinh SDA, MDA sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc đánh chặn và hạ gục mọi loại vũ khí trên không do Trung Quốc và Nga".
SpaceX, một hãng hàng không vũ trụ tư nhân Mỹ có trụ sở ở bang California, cũng dự tính cho phóng hơn 42.000 vệ tinh vào quỹ đạo để tạo ra một dịch vụ internet không dây có tên gọi Starlink. Kế hoạch đó được trình lên các cơ quan quản lý viễn thông hồi tháng 1 và dự kiến sử dụng số vệ tinh nhiều gấp 3 lần số thiết bị cùng loại từng được những đơn vị khác triển khai trong không gian, tính đến thời điểm hiện tại.
Ông He cho rằng, SDA có thể hợp tác với SpaceX. Theo chuyên gia này, mạng lưới vệ tinh SDA có thể là một phần trong chiến lược phòng thủ tên lửa do Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ năm ngoái, một kế hoạch tham vọng gợi nhắc Sáng kiến phòng thủ chiến lược (còn được biết đến với tên gọi "Chiến tranh giữa các vì sao") của Washington nhằm chống Liên Xô hồi những năm 1980.
Để phục vụ mục tiêu giúp nước Mỹ giành lại và duy trì vai trò thống trị không gian, ông Trump đã cho thành lập Lực lượng Không gian Mỹ, một nhánh mới thuộc các lực lượng vũ trang nước này vào tháng 12/2019.
SDA ra đời trước đó, vào tháng 3 cùng năm nhằm xoa dịu những chỉ trích rằng quân đội Mỹ đang không theo kịp các đổi mới diễn ra trong ngành công nghiệp vũ trụ. Cơ quan này được trao quyền thâu tóm các công nghệ vũ trụ do các công ty dân sự phát triển và sẽ chính thức gia nhập Lực lượng Không gian Mỹ vào tháng 10/2022.