Các nhà nghiên cứu từ Quỹ Minderoo và Trung tâm Nghiên cứu Biển sâu của Đại học Tây Úc (UWA) đã ghi lại được cuộc chạm trán hiếm hoi với con mực bạch tuộc ở độ sâu khoảng 1.000 m bên dưới bề mặt Thái Bình Dương, bằng cách sử dụng máy ảnh rơi tự do thả xuống biển gần đó, một khu vực có dòng nước sâu phía bắc Samoa.
Một trong những loài mực khó gặp nhất thế giới đã phát quang sinh học chói mắt khi nó tấn công máy ảnh dưới nước ở vùng biển sâu, đoạn phim mới ghi được vừa tiết lộ.
Nhóm nghiên cứu ghi lại sự đa dạng của phần sâu nhất của đại dương vùng hadal khi họ phát hiện ra loài sinh vật quý hiếm này.
Con vật trong video là mực bạch tuộc Dana (Taningia danae), một thành viên của họ Octopoteuthidae chuyên ăn cá nổi, động vật giáp xác và các loài mực khác.
|
Loài mực sử dụng tế bào quang lớn của chúng để làm choáng và làm con mồi mất phương hướng. (Ảnh: UWA/Inkfish)
|
Các loài mực thuộc họ Octopoteuthidae có tám cánh tay nên được gọi là mực bạch tuộc. Khi còn non, chúng có hai xúc tu dài ngoài cánh tay, nhưng sẽ mất đi khi trưởng thành.
Loài mực này được biết đến với kích thước khổng lồ. Theo một nghiên cứu năm 2003, con mực bạch tuộc dài nhất từng được báo cáo là một con cái dài 2,3 m. Theo tuyên bố từ UWA, con mực trong video chỉ dài khoảng 75 cm.
Trong đoạn phim, con mực đột nhiên xuất hiện từ trong bóng tối và lao về phía máy ảnh, dùng cánh tay nhấn chìm máy ảnh rồi nhanh chóng tẩu thoát. Trước khi bám vào máy ảnh, con mực lộ ra một cơ quan phát sáng, được gọi là tế bào quang, ở đầu hai cánh tay của nó.
Đèn sinh học lớn nhất thế giới
Các nhà nghiên cứu viết, các tế bào quang điện của loài này - phát ra các chùm ánh sáng do phản ứng hóa học - là loại lớn nhất trong thế giới động vật. Nhưng các nhà khoa học hiếm khi thấy đèn sinh học của mực được sử dụng khi tấn công con mồi.
Heather Stewart , nhà địa chất biển và nhà nghiên cứu liên kết tại UWA, cho biết: “Khi xem lại đoạn phim, chúng tôi nhận ra rằng mình đã rất may mắn khi ghi lại được đoạn video này”.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, tế bào quang của mực giúp chúng làm choáng váng con mồi trong vùng nước tối của biển sâu. Theo một nghiên cứu năm 2017, những con mực này có thể thay đổi kiểu nhấp nháy bằng cách điều khiển các màng giống như mí mắt che phủ các cơ quan sản xuất ánh sáng của chúng.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu biết rất ít về hành vi của loài này vì T. danae hiếm khi được nhìn thấy còn sống. Alan Jamieson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển sâu của UWA, cho biết: “Nhiều ghi chép về loài này là do mắc cạn, vô tình đánh bắt hoặc từ chất chứa trong dạ dày của cá voi”.
Theo một nghiên cứu được công bố năm 2007, loài T. danae chỉ được phát hiện còn sống lần đầu tiên vào khoảng 19 năm trước bởi các nhà nghiên cứu sử dụng hệ thống camera tương tự. Và những con mực này chỉ được nhìn thấy còn sống một vài lần kể từ đó.