|
Quang cảnh buổi Hội thảo. |
Ngày 8/7 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học “Khuyến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHHVN (VUSTA) cho biết: "Thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành 11 Nghị định; các bộ ngành đã ban hành hơn 40 Thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành Luật, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển".
Trong Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập trong Luật Đất đai hiện nay. Theo đó, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như cho phát triển nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Hạn điền và thời hạn sử dụng đất vẫn là rào cản chính trong xác lập một phần tư liệu sản xuất có khả năng tiếp nhận đầu tư lớn, dài hạn, có chiều sâu vào phát triển kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Ngoài ra, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.
Không chỉ vậy, nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã làm xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng không đúng mục đích, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Nhiều nơi dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất kể cả những vị trí có lợi thế, khả năng sinh lời chủ yếu theo phương thức chỉ định, gây thất thu cho ngân sách, cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá chưa được quan tâm thực hiện. “Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai rất phức tạp, chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70%”, TSKH Nghiêm Vũ Khải nêu rõ.
|
TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHHVN (VUSTA) phát biểu tại Hội thảo. |
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vẫn còn sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định của các luật liên quan. Một số quy định của Luật đất đai đang xung đột với không ít các quy định của các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công… ngoài ra còn có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và cũng có một số nội dung phát sinh mới mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh nên khó khăn cho khâu tổ chức thi hành.
Ths. Đặng Đình Luyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật Đất đai để bảo đảm đúng bản chất về quyền sở hữu toàn dân về đất đai và quy định rõ mối quan hệ của người dân với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Ths. Đặng Đình Luyến cũng đề nghị nghiên cứu sửa Luật Đất đai để thu hẹp các trường hợp đất bị thu hồi, theo đó bỏ Điều 64 và Điều 65 của Luật Đất đai nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc sử dụng đất đai.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận và rà soát những bất cập của Luật Đất đai 2013 và tiếp tục đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai bảo đảm phù hợp với Hiến pháp; bảo đảm tính tương thích, phù hợp với các luật khác, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi trong quá trình triển khai pháp luật trong đời sống.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, dự kiến sẽ được trình sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng.