Trong cuộc đua máy tính lượng tử, hãng Honeywell vừa giành được vị trí dẫn đầu. Honeywell công bố đã sản xuất thành công máy tính lượng tử nhanh nhất thế giới, mạnh ít nhất gấp đôi so với các máy tính hiện có do IBM và Google vận hành.
Cỗ máy được đặt trong một kho lưu trữ bảo mật cao, rộng gần 1.400 mét vuông ở thành phố Boulder (bang Colorado), bao gồm một buồng bằng thép không gỉ có kích thước bằng quả bóng rổ, được làm mát bằng helium lỏng ở nhiệt độ xuống gần 0 độ tuyệt đối - nhiệt độ mà tại đó các nguyên tử ngừng hoạt động.
|
Honeywell công bố đã sản xuất thành công máy tính lượng tử nhanh nhất thế giới, mạnh ít nhất gấp đôi so với các máy tính hiện có do IBM và Google vận hành (ảnh Honeywell cung cấp). |
Trong khi các nhà khoa học đã nghiên cứu tiềm năng của điện toán lượng tử trong nhiều thập kỷ, hướng tới chế tạo cỗ máy có khả năng hoàn thành các tính toán vượt quá giới hạn của máy tính và cả siêu máy tính, thì ngành này gần đây bị giới hạn trong các công ty công nghệ như IBM và Google.
Hiện giờ, máy của Honeywell đã đạt được "khối lượng lượng tử" lên đến 64, theo chỉ số do IBM khởi xướng để đo năng lực và tỷ lệ lỗi của máy tính lượng tử. Để so sánh, tháng 1 năm nay IBM công bố họ đạt được khối lượng lượng tử là 32 với cỗ máy mới nhất của mình.
Google cũng dành các nguồn lực đáng kể để phát triển máy tính lượng tử của mình. Tháng 10 năm ngoái họ cho biết đã phát triển cỗ máy hoàn thành một phép tính có thể khiến siêu máy tính mất 10.000 năm để giải quyết, còn cỗ máy của Google làm xong phép tính này chỉ trong 200 giây.
Bước tiến mới cũng có nghĩa là Honeywell sẵn sàng hỗ trợ các công ty đang tìm cách thực hiện các tính toán lớn ngoài sức tưởng tượng - một dịch vụ có thể có chi phí lên đến khoảng 10.000 USD một giờ.
Honeywell không tiết lộ có bao nhiêu khách hàng, nhưng nói rằng họ có hợp đồng với JPMorgan Chase, công ty có các chuyên gia lượng tử riêng, những người sẽ sử dụng máy tính lượng tử để thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, ví dụ như xây dựng các mô hình phát hiện gian lận.