Đứng thứ 3 trong12 con giáp linh vật của văn hóa phương Đông, song trong thế giới tự nhiên hổ luôn giữ vị trí "chúa tể sơn lâm" và đứng ở đỉnh chuỗi thức ăn. Vẻ đẹp hoang dã đầy kiêu hãnh và đáng sợ của loài hổ khiến nó được sùng bái, ngưỡng mộ và gieo rắc nỗi sợ cho cả loài người suốt hàng thiên niên kỷ.
Dù sở hữu sức mạnh uy nghiêm nhưng số lượng hổ trong tự nhiên đã suy giảm đến mức đáng lo ngại. Theo Tổ chức bảo tồn Panthera và Các chương trình châu Á của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên, hiện nay số lượng hổ trong tự nhiên chỉ còn khoảng gần 3.000 con, trong khi cách đây một thế kỷ có khoảng 100.000 con hổ trên khắp thế giới.
Trong số 9 phân loài của hổ, có 4 phân loài đã biến mất vào thế kỷ 20 là hổ Java,hổ Bali, hổ Caspi và hổ Hoa Nam. Chắc hẳn nhiều chị em biết nhân vật Master Tigress - "hổ sư tỷ" trong series phim hoạt hình đình đám "Kungfu Panda" chứ? Nguyên mẫu của "hổ sư tỷ" chính là hổ Hoa Nam đấy, nhưng bây giờ chẳng ai nhìn thấy chúng xuất hiện trên lãnh thổ Trung Hoa nữa rồi. Năm mới Nhâm Dần tới, hãy cùng khám phá xem loài hổ Hoa Nam từng tung hoành trong quá khứ ra sao nhé!
Hổ Hoa Nam - "sát thủ" gieo rắc kinh hoàng khắp vùng hoang vu sơn cước
Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, có rất nhiều ghi chép về những cuộc tấn công và ăn thịt người ở khắp vùng Hoa Nam. Thủ phạm chính là loài hổ, song nguyên nhân chúng gây nguy hiểm cho người là bởi sự xâm lấn của dân làng vào lãnh thổ của chúng. Khoảng 500 cuộc tấn công đã diễn ra trong giai đoạn này, với tần suất trung bình là một lần mỗi năm.
Theo các ghi chép lịch sử, số lượng nạn nhân của hổ Hoa Nam lên đến hơn 1000 người. Năm 1957, một con hổ được cho là đã tấn công và giết chết 32 người ở tỉnh Hồ Nam, khiến loài hổ trở thành mục tiêu bị săn lùng ráo riết. Quan quân truy sát hổ, dân làng căm tức hổ, rất nhiều truyền thuyết và chuyện kể ma mị về loài cọp được lưu truyền trong dân gian, và hệ quả là chúng bị tàn sát liên tục trong các khu rừng.
Cái tên hổ Hoa Nam bắt nguồn từ tên địa danhAmoy, còn gọi là Xiamen (tức Hạ Môn). Chúng sống ở miền Nam Trung Quốc, phân bố ở các tỉnhPhúc Kiến,Quảng Đông, Hồ Nam và Giang Tây. Cùng với gấu trúc, hổ Hoa Nam từng được coi là "quốc bảo" của đất nước tỷ dân bởi sự độc đáo và lịch sử tồn tại suốt 2 triệu năm ở lục địa Trung Hoa.
Lãnh thổ của hổ Hoa Nam xưa kia trải dài trên một vùng rộng lớn ở Trung Quốc, lên đến 2.000km (khoảng 1.200 dặm) từ đông sang tây và 1.500km (930 dặm) từ bắc xuống nam. Có thể ví rằng vùng chúng sống từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn, con ngựa khỏe nhất chạy mỏi chân cả ngày cũng không hết.
Tiếng gầm của hổ Hoa Nam gây khiếp sợ cả tỉnh Giang TâyvàChiết Giang ở phía đông, khiến người dân Quý Châu và Tứ Xuyên ở phía tây ám ảnh. Dấu chân của chúng cũng từng in dấu khắp phía bắc ở vùng núiTần Lĩnhvàsông Hoàng Hà, mở rộng xuống phía nam qua các tỉnh Quảng Đông,Quảng TâyvàVân Nam. Hình ảnh hổ Hoa Nam đã xuất hiện trên những con tem cũ và cả tiền xu ở Trung Quốc, với hình tượng uy nghiêm dũng mãnh.
Hổ Hoa Nam là phân loài hổ nhỏ nhất ở lục địa châu Á, chúng sở hữu bộ lông cam vằn đen với màu rất đậm và sắc nét, phần cổ và bụng có yếm trắng, đôi tai có đốm trắng khá đặc biệt. Kích thước hổ Hoa Nam đực khoảng 2,6m và nặng gần 200kg, con cái nhỏ hơn một chút. Thức ăn ưa thích của chúng là các loài động vật móng guốc, lợn rừng, hươu, voọc, sau đó do sự xâm lấn của con người nên hổ bắt cả gia súc để ăn thịt.
Quá khứ huy hoàng của loài hổ Hoa Nam khiến bao người tiếc nuối.
Khi tiếng gầm của vua hoang dã tắt lịm
Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào thế kỷ 19, quần thể hổ Hoa Nam đã sụt giảm đến 99% bởi nạn săn bắn, chặt phá rừng và hủy diệt môi trường sống hoang dã. Tên của chúng được liệt kê là loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN từ năm 1996 và gần như đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Vào thập niên 50, số lượng hổ Hoa Nam được cho là còn khoảng 4.000 cá thể. Nhưng đến cuối thập niên 70, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho hay họ không tìm thấy bất kỳ con hổ Hoa Nam nào nữa, khiến phân loài này được cho là đã tuyệt chủng.
Tháng 10/2007, nông dân kiêm thợ săn Châu Chính Long tuyên bố chụp được bức hình một con hổ Hoa Nam cực hiếm. Thông tin này đã khiến cả Trung Quốc đại lục chấn động, Châu Chính Long được tỉnh Thiểm Tây tặng thưởng tận 20.000 nhân dân tệ, nhưng sau đó không lâu anh ta đã bị bắt giữ bởi bức hình hổ Hoa Nam được chứng minh là giả. Sự việc khiến dư luận dậy sóng thời gian rất dài, đủ thấy khao khát hồi sinh giống hổ này của người Trung Quốc.
Mang danh mãnh thú nhưng tính đến năm 1987, quần thể hổ Hoa Nam ước tính chỉ còn sót lại khoảng 30-40 cá thể trong tự nhiên. Nguy cơ tuyệt chủng đã thấy rõ, song các nỗ lực bảo tồn loài hổ quý hiếm này diễn ra quá muộn màng.
Trong một cuộc khảo sát năm 1990, các dấu vết sinh sống của hổ Hoa Nam đã được tìm thấy ở 11 khu bảo tồn ở vùng núi Tứ Xuyên, Quảng Đông, Hồ Nam, Giang Tây và Phúc Kiến, nhưng những dữ liệu này không đủ để ước tính quy mô số lượng là bao nhiêu. Không ai tận mắt thấy bóng dáng con hổ Hoa Nam huyền thoại nào, mọi bằng chứng chỉ giới hạn ở việc nhìn thấy dấu chân, vết cào xước và những báo cáo mờ nhạt của người dân địa phương.
Năm 2007, số lượng hổ Hoa Nam nuôi nhốt trên khắp thế giới còn khoảng 72 cá thể, một phần nhỏ trong số đó được nuôi nhốt bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vì nỗ lực nhân giống tái tạo. Rất ít con hổ Hoa Nam còn thuần chủng vì có bằng chứng di truyền của việc lai chéo với các phân loài khác.
Năm 1905, nhà động vật học người Đức Max Hilzheimer lần đầu tiên mô tả hổ Hoa Nam có chiều cao tương tự vớihổ Bengal, nhưng khác nhau về hộp sọ và bộ lông. Các phân tích khoa học hộp sọ hổ Hoa Nam cho thấy chúng có hình dạng khác với hộp sọ hổ của các khu vực khác, có thể coi là "tổ tiên" của những con hổ hậu duệ khác tại Trung Quốc.
Trung Quốc cấm buôn bán xương hổ và các sản phẩm liên quan tới hổ từ năm 1993, nhưng tình trạng săn bắn trộm và buôn bán trái phép các sản phẩm từ loài động vật quý hiếm này vẫn không hề thuyên giảm. "Chúa tể sơn lâm" giờ chỉ còn trên những bức tranh vẽ, bích họa cổ, tượng đá, trong văn hóa con giáp Tết Âm lịch và trong sở thú ở Trung Quốc.