Một cá voi sát thủ dạt bờ biển Anh đang được nhận định là cá thể “ô nhiễm” nhất từng dạt bờ, BBC đưa tin. Các nhà khoa học cho biết con cá voi bị nhiễm chất độc hại với mức độ gây sốc.
Con cá voi được đặt tên là Lulu, dạt vào Đảo Tiree ở Scotland năm ngoái sau khi vướng vào dây câu.
Các cuộc kiểm tra mới đây cho thấy Lulu là một trong những cá thể bị nhiễm hợp chất biphenyl polyclorinated (PCB) cao nhất từng ghi nhận. Hóa chất độc hại này đã bị cấm từ những năm 1970 nhưng vẫn còn trong môi trường, BBC viết.
Các nhà nghiên cứu giờ lo ngại những cá thể khác trong đàn của Lulu cũng bị nhiễm chất độc hại với mức độ tương tự. Đàn của Lulu được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía tây Scotland, được cho là gồm 8 con.
|
Mức độ nhiễm chất PCB của Lulu cao đến mức không thể tin nổi |
Tiến sĩ Andrew Brownlow, Giám đốc Chương trình Dọn dẹp Động vật dạt biển Scotland, nói với BBC rằng Lulu có mức nhiễm PCB cao “gây sốc”.
"Mức nhiễm PCB của Lulu cao đến mức không thể tin nổi, cao gấp 20 lần so với mức an toàn mà loài cá voi có thể chịu được.
"Chỉ với ngưỡng 20-40mg/kg lưu trữ trong các mô, PCB đã có thể gây ra những tác hại về mặt sinh lý.
"Thế nhưng Lulu nhiễm PCB ở mức 957mg/kg - điều này khiến nó trở thành một trong những cá thể bị nhiễm nặng nhất chúng tôi từng xem xét".
Hóa chất độc hại có rất nhiều tác hại lên cơ thể động vật. Có bằng chứng cho rằng PCB có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Nó cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, khiến cá voi sát thủ không thể đẻ con.
Tiến sĩ Brownlow giải thích: "Đó chắc chắn là những gì chúng tôi tìm thấy trong trường hợp của Lulu.
"Sau khi kiểm tra buồng trứng của nó, không có bằng chứng nào cho thấy Lulu đã hoạt động sinh sản hoặc từng sinh con".