Sử dụng các camera có tích hợp AI, Wildfaces đã phát triển hệ thống phân tích hình ảnh cho Cục Cải Huấn của thành phố để phát hiện những hành vi đáng ngờ trong số lượng lớn tù nhân, bao gồm cả tự hủy hoại bản thân hay đánh nhau.
Ivy Li, người sáng lập và điều hành Wildfaces cho biết vì thiếu các cơ sở dữ liệu hành vi, Wildfaces buộc phải bỏ qua bước "máy học" và đi vào phân tích cơ sở xác định hành vi để phát hiện các dấu hiệu của những hành vi tiêu cực tiềm tàng.
Hệ thống sẽ tiến hành so sánh và phân tích những hành vi đáng nghi ngờ thông qua camera hoàn toàn tự động mà không cần con người can thiệp, như tù nhân tụ tập lại hoặc một tù nhân đứng bên cửa sổ với một sợi dây thừng, hay đập đầu vào tường. Trong trường hợp này, hệ thống sẽ phát tín hiệu cho quản giáo biết có mối nguy hiểm để họ can thiệp.
Trong tháng 2, có hơn 40 camera tích hợp AI đã được lắp đặt tại nhà tù Pik Uk, một nhà tù nhỏ tại quận Sai Kung, Hong Kong. Đây là một phần trong dự án xây dựng "nhà tù thông minh" và dự kiến nhiều nhà tù khác cũng sẽ được lắp đặt trong thời gian tới.
Công ty này còn thiết lập công nghệ nhận diện khuôn mặt ở các sân tập thể dục hay trong các xưởng làm việc để có thể sử dụng công nghệ để giám sát và quản lý số lượng lớn tù nhân ở khoảng cách xa.
Dự án nhà tù thông minh được khởi xướng trong chính sách xây dựng thành phố thông minh của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu Hong Kong vào tháng 10 năm ngoái nhằm trang bị cho lực lượng hành pháp các trang thiết bị công nghệ giúp tăng hiệu quả công việc.
Các công ty và các tổ chức cộng đồng tại Hong Kong đang đẩy nhanh ứng dụng trí thông minh nhân tạo theo sự khích lệ của chính quyền nhằm tạo ra một thành phố thông minh đạt chuẩn quốc tế trên các lĩnh vực di động, đời sống, môi trường, dịch vụ công cộng và các lĩnh vực khác.
Theo số liệu từ Cục Cải Huấn, trong năm 2018, các nhà tù ở Hong Kong có 2 trường hợp chết do tự tử, 48 trường hợp tự làm mình bị thương và tổng cộng 483 vụ ẩu đả, bao gồm cả giữa các tù nhân và giữa tù nhân với quản giáo.
So với các nước khác, Li ấn tượng trước cách chính quyền Hong Kong cân nhắc về vấn đề an ninh và bảo vệ tù nhân trước những nguy cơ ẩu đả.
"Tôi đã tham gia nhiều dự án nhà tù thông minh trên thế giới, nhưng Hong Kong là dự án duy nhất quan tâm sâu sắc đến vấn đề an toàn và bảo vệ tù nhân. Chúng tôi chưa từng nhận được yêu cầu giám sát hành vi tự hủy hoại bản thân ở các nơi khác". Li cho biết "Đa số các dự án khác tập trung nhiều vào việc giám sát các vụ đánh nhau và bỏ trốn".
Ngoài nhà tù thông minh, Wildfaces còn triển khai công nghệ AI để giúp hệ thống tàu điện ngầm bảo dưỡng nhờ phát hiện các hoạt động bất thường của các trang thiết bị vận hành thường xuyên như thang cuốn hay thang máy.
Wildfaces đang đặt cược vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh. Ngoài việc phân tích video giám sát, số lượng camera ngày càng gia tăng nhờ vào sự hiện diện của chúng trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, kính, thiết bị bay không người lái… do đó, chúng ta có thể tạo ra mạng lưới nhận diện và giám sát theo thời gian thực mà không cần quá nhiều máy móc.
Tại Hong Kong, công nghệ AI ngày càng phát triển nhưng chính quyền thành phố vẫn còn suy nghĩ khá "thực dụng" về vấn đề này, Li cho biết. "Ở Hong Kong, chúng tôi cần chứng minh rằng công nghệ của chúng tôi có hiệu quả kinh tế, chứ không đơn thuần là ứng dụng nó vào cái này cái kia".