Trước giờ, rắn độc Pit Viper thuộc họ Gloydius là loài rắn độc phân bố chủ yếu ở Bắc Á, nhưng mở rộng sang miền Nam Châu Âu dưới dạng loài rắn Halys (Gloydius halys). Do thường tìm kiếm con mồi là các loài gặm nhấm có kích thước nhỏ như chuột, thỏ nên khả năng loài rắn này chạm mặt với con người là khá cao. Thậm chí những con trưởng thành với tập tính hung dữ thường lao vào tấn công con người nếu ai đó vô tình chạm vào chúng.
|
(A, B): Loài Nujiang pit viper (Gloydius lipipengi) và (C, D) là loài Glacier pit viper (Gloydius swild). Ảnh: @Tạp chí ZooKeys. |
Vết cắn của Pit Viper rất độc. Chỉ cần nhiễm phải 40 - 70 mg nọc độc sau cú đớp của chúng, một người trưởng thành có thể mất mạng. Ban đầu, nạn nhân sẽ bị phù nề, xuất huyết trong nhiều giờ, sau đó tụt huyết áp, giảm nhịp tim và chỗ rắn cắn sẽ bị hoại tử. Sau đó nạn nhân sẽ bị suy thận, các cục máu đông xuất hiện khắp các thành mạch dẫn đến tử vong. Những con rắn thân nhỏ này khá phổ biến và đã tỏa ra nhiều môi trường sống khác nhau trên khắp hành tinh.
Hiện tại, hơn 20 loài rắn độc Pit Viper thuộc họ Gloydius chủ yếu thuộc ba nhóm gồm nhóm phức hợp Gloydius blomhoffii, nhóm trung gian Gloydius intermedius-halys và nhóm phức hệ Gloydius strauchi đã được công nhận về mặt khoa học.
Trong nghiên cứu mới nhất, có hai loài rắn độc Pit Viper mới được đặt tên là rắn Nujiang pit viper (Gloydius lipipengi) và Glacier pit viper (Gloydius swild), cả hai đều thuộc về nhóm phức hệ Gloydius strauchi
Tiến sĩ Jing-Song Shi đến từ Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật học Trung Quốc cho biết: “Loài rắn độc Nujiang pit viper có lưng màu nâu xám với các dải chéo hình vòng đen không đều, các sọc rộng, màu nâu xám phía sau mắt và răng nanh ngắn; Còn loài Glacier pit viper có màu xám xanh, với các sọc ngoằn ngoèo trên lưng và có các sọc tương đối hẹp phía sau mắt”.
Riêng loài rắn độc Nujiang pit viper chỉ được biết đến từ một địa phương đó là làng Muza, Zayu, Tây Tạng. Còn loài Glacier pit viper được tìm thấy ở phần phía đông của Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và dãy núi Hengduanshan, bắc Tứ Xuyên, cách Công viên Địa chất Quốc gia Dagu Holy-glacier khoảng 15 km.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu xem đâu là yếu tố then chốt dẫn đến sự phân lập và ra đời hai loài rắn độc Pit Viper mới thuộc họ Gloydius ở phía tây nam Trung Quốc. Các phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí ZooKeys .